"Brazil chúc mừng Indonesia gia nhập BRICS. Indonesia, quốc gia đông dân nhất, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, và các thành viên khác trong khối ủng hộ cải cách các thể chế toàn cầu và đóng góp tích cực cho tăng cường hợp tác ở Nam Toàn cầu, vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của Brazil", Bộ Ngoại giao Brazil thông báo ngày 6/1. Nam Toàn cầu là khái niệm chỉ các nước đang phát triển.
Brazil cho biết lãnh đạo các nước BRICS đã chấp thuận kết nạp Indonesia tại hội nghị thượng đỉnh khối ở Johannesburg, Nam Phi hồi tháng 8/2023. Indonesia, khi đó chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 2/2024, phản hồi sẽ gia nhập khối khi chính phủ mới thành lập.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula de Silva (trái) bắt tay Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại Rio de Janeiro ngày 18/11/2024. Ảnh: AFP
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, kết nạp Nam Phi một năm sau đó. Brazil là quốc gia chủ tịch khối năm 2025. BRICS được cho là đối trọng với G7, nhóm các nền kinh tế phát triển.
BRICS tháng 8/2023 thông báo kết nạp thêm 6 thành viên gồm Arab Saudi, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất từ đầu năm 2024. Trong số này, Arab Saudi chưa chính thức chấp thuận lời mời còn Argentina đã đổi ý, từ chối gia nhập.
Trước khi Indonesia gia nhập, BRICS chiếm gần 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu. Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia cũng đã xin gia nhập khối.
Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2024 ở Kazan, Nga, các thành viên BRICS đã thảo luận về thúc đẩy thanh toán không dùng đồng USD và tăng cường sức mạnh nội tệ. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dọa áp thuế 100% với các thành viên khối nếu họ tìm cách thay thế USD.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)