Những người thu hoạch thường lấy 30% máu sam. Ảnh: Natural History Museum
Con sam hay còn gọi là cua móng ngựa là loài hóa thạch sống sinh sống dọc đường bờ biển suốt 445 triệu năm, rất lâu trước khi khủng long xuất hiện trên Trái Đất. Chúng có máu màu xanh kỳ lạ và quý giá nhất trong số bất kỳ động vật nào còn tồn tại ngày nay, theo IFL Science.
Máu sam đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất vaccine giúp cứu sống hàng triệu người. Khác với máu màu đỏ giàu sắt ở người, máu sam Mỹ (Limulus polyphemus) chứa nhiều đồng, tạo nên màu xanh dương đặc trưng. Thay cho bạch cầu, chúng sở hữu tế bào gọi là amebocyte cực kỳ hiệu quả trong phát hiện nội độc tố vi khuẩn endotoxin. Ngay cả ở liều lượng chưa đến một phần nghìn tỷ, amebocyte có thể kích hoạt sự đông máu, hình thành cục máu đông quanh vi khuẩn xâm lấn giúp bảo vệ cơ thể của sam trước chất độc.
Các công ty dược phẩm sử dụng amebocyte trong nhiều thập kỷ như một cách kiểm tra vaccine có nhiễm khuẩn hay không, trong thử nghiệm mang tên Limulus Amebocyte Lysate. Đây là thử nghiệm rất quan trọng bởi nguy cơ nhiễm khuẩn có thể gây hại, thậm chí dẫn tới tử vong đối với người dùng vaccine. Do hiệu quả của thử nghiệm, máu sam có giá lên tới 15.000 USD/lít.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang tìm giải pháp thay thế bền vững hơn bởi hoạt động thu hoạch máu quá mức đang khiến số lượng sam sụt giảm. Dù những người thu hoạch chỉ lấy 30% máu sam trước khi thả chúng về biển, khoảng 20% sam không thể sống sót. Sam cái sinh sản ít hơn sau khi lấy máu, ảnh hưởng tới sự phục hồi của loài này.
Được gọi là cua móng ngựa, sam không phải thành viên trong họ giáp xác mà thực chất liên quan tới nhện. Chúng là thành viên của phân ngành Chân kìm, bao gồm nhện và bọ cạp. Tương tự hai loại đó, sam cũng lột xác khi lớn dần. Mỗi lần lột xác, chúng bò xa khỏi mặt trước lớp vỏ và bỏ lại bộ xương ngoài.
An Khang (Theo IFL Science)