Chuyên mục  


Nhận định trên được bà Nguyễn Trương Kim Phượng - Giám đốc tiếp thị ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer (MCH) - chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư giữa tuần này. Masan Consumer là công ty con chuyên về sản xuất hàng tiêu dùng của Tập đoàn Masan (MSN).

Lẩu tự sôi và cơm tự chín là hai sản phẩm nằm trong ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR) thuộc nhãn hiệu Omachi. Các sản phẩm mới của Masan có giá trăm nghìn đồng, cao hơn hẳn so với mức vài nghìn hay vài chục nghìn đồng của các sản phẩm ăn liền trên thị trường. Điều này giúp họ tăng định giá cho sản phẩm, từ đó Omachi thoát "mác" chỉ bán duy nhất mỳ gói và chuyển thành thương hiệu thực phẩm, phong cách sống.

Doanh nghiệp này tin các sản phẩm mới sẽ không quá đắt với những người trẻ và nhân viên văn phòng vì "ngoài thức ăn, còn mang lại cho họ những trải nghiệm". "Cơm tự chín là hộp cơm, không phải cơm hộp. Nó không bình dân mà là loại thực phẩm tiện lợi, ngon như ăn ở nhà hàng", bà Phượng nói.

9 tháng đầu năm, các dòng sản phẩm này mang về 1.518 tỷ đồng, đóng góp 7% vào tổng doanh thu của MCH. Mức này tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Với dòng sản phẩm mới, công ty lên kế hoạch mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mỳ ăn liền lên 17 tỷ USD trong lĩnh vực RMR.

Một sản phẩm cơm tự chín Omachi. Ảnh: MCH

Chia sẻ với VnExpress, Giám đốc tài chính Huỳnh Việt Thăng nói cao cấp hóa là chiến lược dài hạn của Masan Consumer, giúp họ mở rộng thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), từ gia vị đến thực phẩm. Đây cũng là cách để họ cải thiện lãi gộp khi nhóm này không mang lại nhiều doanh thu như các sản phẩm bình dân, nhưng tạo ra lợi nhuận khả quan.

Thực tế, doanh số dòng sản phẩm Omachi, đại diện cho phân khúc cao cấp, tăng 24% trong quý III và chiếm gần 50% tổng doanh thu của ngành hàng này. Theo ban lãnh đạo MCH, điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng cao cấp của người tiêu dùng Việt. Biên lợi nhuận gộp của ngành hàng thực phẩm tiện lợi cũng cải thiện 1,4% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo trước đây của SSI Research tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong doanh thu thực phẩm tiện lợi của MCH là 16%. Mức này cao hơn so với CAGR giá trị thị trường mỳ gói nói chung là 7% giai đoạn 2017-2023, theo Euromonitor. Kết quả trên chủ yếu nhờ việc hợp nhất thị phần của mỳ ăn liền ở phân khúc cao cấp với thương hiệu Omachi và đổi mới sản phẩm với bữa ăn thay thế hoàn chỉnh (RTE).

CAGR doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của MCH lần lượt là 11,2% và 15,4% giai đoạn 2019-2023. SSI Research cho rằng những kết quả này là nhờ hoạt động tích cực đổi mới sản phẩm của nhóm nghiên cứu nội bộ, nhu cầu ổn định và mức tăng thị phần vững chắc.

Masan Consumer là đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng đang có hơn 340.000 điểm bán GT (kênh truyền thống), 6.000 điểm bán MT (kênh hiện đại). Họ sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu trên 100 triệu USD mỗi năm là Chinsu, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wakeup. 9 tháng đầu năm, MCH ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận, lần lượt gần 21.955 tỷ và 5.553 tỷ đồng.

Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020