Hai binh sĩ Ukraine kiểm tra lần cuối chiếc máy bay không người lái (UAV) AN-196 Liutyi. Trên thân phi cơ và tay áo các binh sĩ có biểu tượng con cú màu vàng của Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR). Sau hiệu lệnh của chỉ huy, chiếc UAV có chiều dài 3 m và sải cánh 7 m lao vào màn đêm, nhắm đến mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Đó là chuyến làm nhiệm vụ điển hình của Đơn vị UAV tầm xa thuộc GUR, một trong các lực lượng vận hành loại vũ khí này của quân đội Ukraine.
Trận tập kích diễn ra đêm 29/9, khi Ukraine phóng hơn 100 UAV nhằm vào kho đạn nằm gần làng Kotluban thuộc tỉnh Volgograd của Nga, nơi quân đội Ukraine cho rằng có đoàn tàu "chứa đầy tên lửa Iran mới chuyển giao".
Các vụ tập kích bằng UAV tầm xa đã trở thành một trong những hoạt động ngày càng nổi bật trong chiến sự Nga - Ukraine. Giao tranh trên bộ đã chuyển sang chiến tranh tiêu hao, trong khi tần suất không kích ngày càng cao với vũ khí chủ yếu là UAV.
Ukraine từng gây nhiều thiệt hại cho Nga, gần nhất là phá hủy kho đạn ở tỉnh Tver và gây ra vụ nổ lớn có thể thấy từ cách vài km.
Tuy nhiên, phòng không Nga vẫn ngăn chặn phần lớn đòn tập kích UAV của Ukraine. Theo các binh sĩ Đơn vị UAV tầm xa, tỷ lệ thành công trong các trận tập kích của họ có thể tăng từ 50% lên 95% nếu Mỹ cho phép quân đội Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng UAV tầm xa vào lãnh thổ Nga. Ảnh: CNN
Vector, chỉ huy Đơn vị UAV tầm xa, cho biết nhiều sân bay quân sự của Nga nằm ngoài tầm bắn của các vũ khí trong biên chế Ukraine. Đòn tập kích bằng UAV không phải lúc nào cũng hiệu quả, đơn vị của Vector thường phải phóng lượng lớn phi cơ để đảm bảo đánh trúng mục tiêu.
"Chúng tôi có thể dùng cả loạt UAV và từng phá hủy nhiều nơi, nhưng như vậy là không đủ. Chúng tôi không chỉ yêu cầu được dùng tên lửa phương Tây tập kích mục tiêu tại Nga, mà còn muốn những vũ khí có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine", Vector nói.
Vector và Serge, chỉ huy tác chiến UAV tầm xa của GUR, từng nhiều lần gây thiệt hại cho Nga. Serge tuyên bố đã đích thân chỉ huy hơn 500 vụ tập kích nhằm vào Nga từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022.
Binh sĩ Ukraine cho UAV AN-126 cất cánh trong video công bố ngày 17/10. Video: CNN
Đơn vị UAV tầm xa của GUR đề ra quy định nghiêm ngặt khi triển khai, trong đó có tổ chức họp tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Ukraine. Trong một cuộc họp, Serge nói với Vector rằng đơn vị sẽ phóng 12 UAV, sau đó thống nhất thời gian phát động tập kích vào khoảng 3h sáng.
Vector viết hai ghi chú vắn tắt, sau đó ra xe và tắt điện thoại. Đoàn xe của đơn vị đi tới một khu phức hợp bí mật, nơi tập kết lực lượng vận hành và khí tài.
Kho đạn Kotluban trên ảnh vệ tinh hồi tháng 8. Ảnh: Maxar
Các binh sĩ Ukraine mặc đồ đen và trùm mặt nạ ngồi chờ nghe lệnh trong phòng. Vector thông báo họ sẽ hiệp đồng với đơn vị khác trong vụ tập kích, yêu cầu cấp dưới chuẩn bị lộ trình cho UAV và đưa cho họ chiếc USB chứa thông tin liên quan.
Vector nhấn mạnh rằng giai đoạn lập kế hoạch rất quan trọng, "chiếm tới 60% thành công" của mỗi nhiệm vụ. Sĩ quan này cũng thừa nhận mạng lưới phòng thủ của Nga luôn là thách thức. Mỗi chiếc UAV tầm xa được thiết lập hơn 1.000 điểm mốc di chuyển khác nhau để tránh các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử đối phương.
"Trông giống như trò chơi điện tử và chúng tôi chơi với họ. Nhưng không phải, đây là chiến sự", Vector nói.
Serge cho biết không phải tất cả thành viên Đơn vị UAV tầm xa GUR đều là quân nhân chuyên nghiệp như ông. Serge bắt đầu tham gia vận hành UAV từ năm 2014, thời điểm bùng phát xung đột giữa phe ly khai vùng Donbass và quân chính phủ Ukraine.
Trong kho của đơn vị có một chiếc AN-196 cùng nhiều phi cơ Rubaka. Vector cho biết những chiếc Rubaka có kích thước nhỏ, thường được gắn thêm các dải kim loại để tăng diện tích phản xạ radar và thu hút hỏa lực phòng không Nga, bảo vệ mũi tấn công chủ lực bằng AN-196.
"Rubaka rất đơn giản, chúng tôi có thể lắp thuốc nổ lên chúng hoặc không. Chúng tôi phóng những chiếc UAV này từ những địa điểm khác nhau. Lực lượng Nga cố gắng hạ chúng bằng trực thăng, tên lửa phòng không và hệ thống tác chiến điện tử", Vector nói.
Một góc kho đạn Kotluban trước và sau cuộc tập kích ngày 29/9, với phần hư hại khoanh đỏ. Ảnh: Maxar
Tại những khu vực khác trên khắp Ukraine, thành viên GUR cũng chuẩn bị phóng 90 UAV, trong đó chỉ có một số chiếc là AN-126. Theo Serge, khoảng 30% trong số này đóng vai trò mồi nhử. Chúng được lập trình để lao xuống bất cứ nơi nào cách điểm phóng 700-900 km, trong khi chiếc AN-126 sẽ hướng tới kho đạn ở Kotluban.
Các binh sĩ Ukraine đẩy AN-126 vào vị trí phóng, ôtô chở người điều khiển đi ngay phía sau cho đến lúc nó cất cánh. Sau khi lên không trung, chiếc AN-126 vận hành hoàn toàn tự động và di chuyển theo loạt điểm mốc được lập trình từ trước.
Vector, Serge cùng các binh sĩ khác trở lại căn cứ và theo dõi đường bay của chiếc AN-126. Họ cho biết kết quả tập kích được xác định nhờ thông tin của đặc vụ nằm vùng, thông tin từ truyền thông Nga và ảnh vệ tinh.
Khoảng 3h ngày 29/9, các kênh Telegram của Nga bắt đầu thông báo loạt vụ tập kích UAV nhằm vào những thành phố miền nam như Voronezh, Yesk, Rostov và Volgograd. "Chúng tôi biết mình thành công với thông tin từ các kênh Telegram này", Vector nói.
Ảnh vệ tinh thương mại được hãng Maxar công bố cho thấy một phần công trình ở Kotluban bị phá hủy trong vụ tập kích, song phần lớn khu vực còn lại vẫn nguyên vẹn. Các thành viên GUR tuyên bố "nhiệm vụ phá hủy tên lửa Iran chuyển cho Nga" đã thành công.
Các khu vực trên lãnh thổ Nga bị UAV Ukraine tập kích trong tháng 1-10. Đồ họa: CNN
Nguyễn Tiến (Theo CNN, AFP, AP)