Chuyên mục  


Không còn đứa trẻ nào trong làng kể từ khi trường học cuối cùng đóng cửa năm 2012. Tsukimi Ayano, 69 tuổi, là một trong số 27 cư dân còn lại của ngôi làng. Để mang hình ảnh của cuộc sống đến với Nagoro, bà Ayano làm ra những con búp bê to bằng người thật và đặt chúng ở khắp nơi trong làng. Những con búp bê hiện diện ở mọi nơi, dọc đường phố, bên ngoài những cửa hiệu trống rỗng, trong những lớp học.

"Một vài con búp bê giống những người từng sống ở đây hoặc những người đã khuất", bà Ayano nói. Từng là một ngôi làng với 300 dân, Nagoro nay vắng lặng khi mọi người lần lượt qua đời hoặc chuyển đi nơi khác tìm việc làm. Người trẻ nhất trong ngôi làng hiện đã 55 tuổi.

Ngôi làng Nhật có 'búp bê giả người' đông gấp 10 lần dân số

Những búp bê trong làng Nagoro. Video: SCMP.

"Tôi cho rằng không chỉ thị trấn của chúng tôi mà cả những thị trấn khác phải đối mặt với tình trạng dân số già đi và suy giảm", Ayano nói. Với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, dân số Nhật Bản được dự đoán giảm khoảng 1/3 vào năm 2065. Dân số nước này đã giảm trong 10 năm liên tiếp.

Năm 2017, chỉ có 900.000 trẻ sơ sinh ra đời ở Nhật, so với 1,3 triệu người qua đời. Vấn đề già hóa và suy giảm dân số gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế Nhật Bản. Dân số nước này năm nay là 127 triệu người, giảm 430.000 người so với năm ngoái. Đây là con số suy giảm lớn nhất kể từ khi Bộ Thông tin và Các vấn đề Nội vụ Nhật Bản thống kê nhân khẩu từ năm 1968.

Trong nhiều năm qua, nhiều biện pháp đã được Nhật Bản áp dụng để gia tăng tỷ lệ sinh như giáo dục miễn phí cho trẻ em hoặc mở thêm nhiều trường mẫu giáo và các trung tâm trông giữ trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm, dẫn tới lực lượng lao động bị thu hẹp.

Năm ngoái, tỷ lệ việc làm so với người tìm việc là 161 trên 100. Gần đây, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua đạo luật cho phép nhiều công nhân nước ngoài được gia nhập lực lượng lao động nước này hơn. Một số lao động được phép ở lại làm việc lâu hơn, lên tới 5 năm. Hồi tháng 4, Nhật Bản chấp nhận 40.000 công nhân nước ngoài trong 14 lĩnh vực thiếu lao động trầm trọng như y tá, công nghệ thông tin, nông nghiệp và xây dựng.

Nitin Chaudhari, 32 tuổi, người Ấn Độ, tới Nhật Bản năm 2016 để tìm kiếm cơ hội và hiện là kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty Nhật Bản. Dù vậy, Chaudhari vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa làm việc sở tại.

Một trong những thách thức với lao động nước ngoài là người Nhật thường không nói tiếng Anh và có thời gian làm việc nhiều giờ trong ngày. Người nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn trong việc định cư lâu dài hoặc mang theo gia đình tới Nhật.

Những con búp bê mô phỏng người thật tại làng Nagoro, Nhật Bản. Ảnh: CNA.

Theo bà Xing Xia, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Yale-NUS, điều này khiến nhiều lao động nước ngoài học bí quyết kinh doanh tại Nhật Bản rồi trở về nước. Trong vài năm tới, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chấp nhận khoảng 340.000 lao động nước ngoài, nhưng các chuyên gia cho rằng con số này là chưa đủ để bù vào lượng lao động thiếu hụt do dân số suy giảm.

Một chính sách khác được chính quyền ông Abe áp dụng là khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Những chính sách này đã giúp hơn 1,5 triệu phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng lao động, tăng tỷ lệ tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động từ 46,2% năm 2012 tới 50% năm 2017.

Tomoe Uchiyama, 37 tuổi, nghỉ việc sau khi sinh con 7 năm trước và đang suy nghĩ về việc đi làm lại. Tuy nhiên, cô không quá lạc quan về triển vọng nghề nghiệp trong xã hội vốn thiên vị cho các đồng nghiệp nam. "Các ông chủ thường chỉ giao cho phụ nữ công việc phụ", Uchiyama nói.

Bà Xia cho rằng xã hội Nhật Bản vẫn mang nặng định kiến về những phụ nữ làm việc quá nhiều, những phụ nữ kiếm được quá nhiều tiền, những phụ nữ không có con và không có thời gian chăm sóc con cái.

Để đối phó với tình trạng dân số suy giảm và thiếu hụt lao động, Nhật Bản tìm cách phát triển robot và khuyến khích tự động hóa trong nhiều ngành công nghiệp. Nhưng những tiến bộ trong công nghệ vẫn không đủ nhanh để bù đắp cho lực lượng lao động suy giảm nhanh chóng.

Tuy nhiên, một thành phố Nhật Bản lại chứng kiến xu hướng phát triển dân số đi ngược lại với cả nước. Trong giai đoạn 2010-2014, dân số Nagareyama tăng 1,16%, trong khi dân số toàn Nhật Bản giảm 0,7%.

Yoshiharu Izaki, thị trưởng thành phố Nagareyama, đã áp dụng giải pháp mới mẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình trẻ bằng cách thiết lập dịch vụ chăm sóc và đưa đón trẻ em gần trạm tàu hỏa chính trong khu vực. Phụ huynh có thể gửi con tại đây mỗi sáng, dịch vụ đưa đón trẻ em sẽ đưa các em tới trường, giúp bố mẹ có thể đi thẳng từ nhà ga tới chỗ làm.

Izaki cho rằng những sự hỗ trợ của chính quyền giúp phụ nữ cởi mở hơn với việc sinh thêm con. Ông cũng thực thi chính sách cho các công ty thuê văn phòng với giá rẻ, khiến ngày càng nhiều công ty tới thành lập văn phòng vệ tinh tại Nagareyama. Nhờ đó, người lao động có thể làm việc ngay trong thành phố thay vì phải di chuyển tới Tokyo và có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn.

Tuy nhiên, những giải pháp này đến nay mới chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận dân cư thành phố. Bà Xia cho rằng cần tới 20 năm nữa để xem liệu Nhật Bản có tìm ra biện pháp phát triển bền vững trong bối cảnh dân số và lực lượng lao động suy giảm hay không.

Thu Hương (Theo CNA)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020