Nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao, hàng không thêm chuyến nhưng giá vé bay vẫn neo khá cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đáng chú ý, giá vé giữa các chặng bay dường như không có sự khác biệt lớn, bất chấp khoảng cách xa hay gần.
Cao điểm, bay gần - xa giá vé như nhau
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, giá vé ở các chặng bay nội địa như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Vinh hay TP.HCM - Đồng Hới đều dao động "ngang ngang nhau" từ 2,5 - 3,7 triệu đồng/vé/chiều (bao gồm thuế phí), tức ở mức kịch trần. Điều này khiến nhiều hành khách bất ngờ và bức xúc.
Chị Lê Thu Hằng (TP.HCM) cho biết dù chị chỉ bay chặng TP.HCM - Đà Nẵng, chỉ mất hơn một tiếng, nhưng giá vé đã 2,5 triệu đồng, ngang bằng với các chặng xa hơn như TP.HCM - Hà Nội lúc bình thường. Thậm chí, nếu chọn mua vé bay sớm ra Hà Nội trong dịp Tết, giá cũng tầm 2,4 - 2,5 triệu đồng/vé/chiều.
"Không hiểu sao lại có chuyện giá vé bất hợp lý như vậy", chị Hằng nói. Tại thời điểm Tết, nhiều chặng bay nội địa có khoảng cách ngắn dài khác nhau nhưng giá vé neo khá cao, và chênh lệch không đáng kể giữa các hãng bay dù phân khúc và dịch vụ khác nhau.
Anh Nguyễn Tùng Lâm (TP.HCM) cho biết dù đặt vé từ rất sớm vẫn không tránh khỏi cảnh mua vé giá cao. Là một thợ hớt tóc với thu nhập không ổn định, anh đã dành dụm cả năm chỉ để mong được về quê Quảng Ngãi ăn Tết cùng gia đình sau ba năm xa cách.
"Lúc đầu, tôi thấy vé Vietnam Airlines từ TP.HCM - Chu Lai, ngày 29 tháng chạp là 2,5 triệu đồng/vé/lượt. Nghĩ nên xem thêm Vietjet cho chắc, nhưng chỉ sau 30 phút chần chừ, giá vé đã nhảy vọt lên 2,9 triệu đồng/vé/lượt. Cuối cùng, tôi đành chấp nhận mua vé của Vietjet", anh Lâm chia sẻ.
Theo nhiều khách hàng, vấn đề không chỉ là giá vé tăng nhanh mà còn ở sự chênh lệch không đáng kể giữa các chặng bay. Các chuyến ngắn như TP.HCM - Đà Nẵng hay TP.HCM - Chu Lai, với thời gian bay chỉ hơn một tiếng, lại có mức giá tương đương với các chuyến dài hơn như TP.HCM - Vinh hay TP.HCM - Đồng Hới.
Nếu bay khứ hồi, số tiền mua vé lên tới 5 - 7 triệu đồng/người đã trở thành gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình lao động khi về quê đón Tết. Nhiều người bức xúc cho rằng các hãng hàng không đang tận dụng dịp cao điểm để tối đa hóa lợi nhuận.
Tăng chuyến, giá vé không giảm
Hành khách làm thủ tục tại sân bay - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Theo thống kê từ các hãng hàng không, trong khoảng thời gian từ 14-1 đến 12-2-2025 (tức từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng âm lịch), lượng ghế cung ứng trên các chuyến bay nội địa tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 4,9 triệu ghế. Trung bình mỗi ngày có khoảng 165.000 ghế được khai thác.
Tuy nhiên, nhu cầu đi lại quá lớn trong dịp Tết khiến tình trạng "cháy vé" vẫn diễn ra trên nhiều chặng bay trọng điểm. Cụ thể, các chuyến bay từ TP.HCM đi miền Bắc và miền Trung thường kín chỗ trước Tết, trong khi chiều ngược lại có nhiều ghế trống. Sự "lệch đầu" này làm tăng chi phí vận hành, khiến giá vé không thể giảm.
Đại diện một hãng hàng không cho hay giá vé máy bay mang tính thời vụ và phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Các chuyến bay giờ đẹp thường có giá cao hơn đáng kể so với các chuyến bay đêm.
Trong mùa Tết, việc vận hành các chuyến bay lệch đầu, đông khách một chiều, vắng khách chiều ngược lại khiến hãng bay buộc phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí.
Ngoài ra, chi phí nhiên liệu, chiếm tới 45% tổng chi phí vận hành, cũng đang có xu hướng tăng cao. Điều này càng khiến giá vé tăng thêm, đặc biệt vào các ngày cao điểm như 27 đến 29 tháng chạp, khi giá vé phổ thông có thể chạm ngưỡng 3,7 triệu đồng/vé/chiều, sát mức giá trần 4 triệu đồng/vé do Nhà nước quy định.
Ông Nguyễn Đăng Minh, trưởng ban khai thác cảng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhận định rằng nhu cầu đi lại dịp Tết 2025 có thể đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên mức giá vé cao vẫn đang gây thêm gánh nặng tài chính cho hành khách.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng giá vé cao không thể chỉ được lý giải bằng chi phí vận hành hay sự lệch đầu giữa các chuyến bay. Lượng ghế cung ứng đã tăng 4,8% so với năm ngoái nhưng giá vé vẫn không giảm, cho thấy cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn từ phía các hãng hàng không.
"Các hãng cần tăng cường các chuyến bay đêm và giảm giá cho những giờ bay ít được ưa chuộng nhằm giảm áp lực về giá vé mà còn tối ưu hóa hạ tầng hàng không trong giai đoạn cao điểm", một chuyên gia gợi ý.
Cần xây dựng chính sách giá linh hoạt
Theo các chuyên gia, để giảm áp lực chi phí cho người dân trong mùa cao điểm, các hãng nên tăng tần suất chuyến bay đêm và khuyến khích hành khách linh hoạt giờ giấc để giảm gánh nặng vận hành. Ngoài ra, cần đầu tư vào hạ tầng hàng không để tối ưu hóa số chuyến và giảm độ lệch khách. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu các hãng bay xây dựng chính sách giá minh bạch và linh hoạt hơn, tránh tình trạng đồng loạt tăng và khó khăn cho người lao động trong dịp Tết.
Vé xe khách dịp Tết Ất Tỵ tăng tối đa 60%
Thông tin từ bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết dự kiến Tết Ất Tỵ, trong khoảng thời gian từ 19-1-2025 đến 7-2-2025, sẽ có 140.000 lượt khách thông qua bến, tăng nhẹ so với năm trước. Từ ngày 24 đến 26-1-2025 là cao điểm nhất với 11.300 - 13.000 khách/ngày.
Theo đại diện bến xe này, các doanh nghiệp vận tải được điều chỉnh giá vé Tết nhưng không quá 40 - 60% so với ngày thường để bù chiều xe chạy rỗng, áp dụng theo chặng đường, thời gian và các doanh nghiệp phải niêm yết các thông tin cụ thể để bến kiểm soát.
Tại bến xe Miền Đông cũ (Bình Thạnh), tổng lượng khách đi lại dịp cao điểm Tết năm nay dự báo đạt trên 180.000 lượt, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Bến xe này đã lên kế hoạch bố trí hơn 9.300 chuyến xe, giá vé cũng không được tăng quá 60%.
Trong khi đó, đại diện bến xe Miền Tây cho biết đã yêu cầu các đơn vị không tăng giá vé quá 40%. Theo dự kiến, từ 19-1 đến 7-2-2025, bến xe này sẽ phục vụ hơn 437.000 lượt khách, tương đương 16.400 chuyến xe.
Tàu Tết 2025 "cháy" vé ngày cao điểm
Chiều 17-12, Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết sau hơn hai tháng mở bán vé tàu Tết, đơn vị này đã bán được hơn 183.000 vé. Do nhu cầu khách đi đường sắt về quê đón Tết Ất Tỵ 2025 tăng, trước đó ngành đường sắt tổ chức chạy thêm 11 chuyến tàu từ TP.HCM đến Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại, cung cấp thêm 5.000 chỗ.
Theo ghi nhận, ở giai đoạn trước Tết từ ngày 21-1 trở về trước và ngày 27, 28-1-2025 (nhằm ngày 22 tháng chạp trở về trước và ngày 28, 29 tháng chạp) còn vé đi tất cả các ga. Với giai đoạn sau Tết, từ ngày 29-1 đến 16-2-2025 (mùng 1 đến 19 tháng giêng) còn nhiều vé đi tất cả các ngày, các ga.
Các chặng dài như TP.HCM đi Vinh và Hà Nội từ ngày 19-1 (20 tháng chạp) trở về trước cũng còn khá nhiều vé. Trong khi đó, các đoàn tàu đi vào các ngày cao điểm (từ 23 - 27 Tết) hầu như đã kín chỗ.
Ngành đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho khách đi tàu như giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, đoàn viên công đoàn, khách có thẻ khách hàng. Khách đi các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27-1-2025 (tức ngày 28 tháng chạp) và đi từ 1.000km trở lên được giảm 3% giá vé.
Hành khách mua vé khứ hồi được giảm 5% cho lượt về, đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10 - 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.