Cầu cạn cao tốc được Hòa Bình Group xây dựng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện được chất tải thử nghiệm thành công thời gian qua - Ảnh: TIÊN DU
Khắc phục khan hiếm cát đắp nền cao tốc
Trước khi đề xuất Thủ tướng giải pháp xây dựng cầu cạn cao tốc (xây dựng đường cao tốc trên cao sử dụng cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC), tháng 9-2023 Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) đã khảo sát công nghệ, kinh nghiệm xây dựng cầu cạn cao tốc tại các nước: Đức, Trung Quốc, Indonesia.
Tiếp đó, từ tháng 2 đến tháng 6-2024 Hòa Bình Group đã mời các công ty tư vấn thiết kế, thẩm tra và tiến hành thiết kế, ký hợp đồng xây dựng thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, TP Hải Phòng.
Đoạn cao tốc cầu cạn thử nghiệm này được xây dựng trên nền đất yếu khu vực cảng Lạch Huyện, có chiều dài tầng 1 khoảng 550m, tầng 2 khoảng 100m, bề rộng mặt cầu cạn 10,5m (đường cầu Vạn).
Thời gian xây dựng công trình thử nghiệm chỉ trong 2 tháng, sau khi hoàn thành, công trình thử nghiệm này đã tiến hành thử tải, kiểm định với kết quả đáp ứng yêu cầu thiết kế cầu hiện hành là TCVN 11823-1:2017; cọc bê tông ly tâm ứng lực theo TCVN 7888:2014; dầm bản ứng suất trước DIN QAA 4.0.
Theo TS Trần Bá Việt - phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiêm phó chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, công nghệ xây dựng đường cao tốc trên cao sử dụng cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia như Đức, Trung Quốc, Indonesia.
Trong bối cảnh cả nước khan hiếm cát, đất đắp nền cao tốc hiện nay, ông Việt cho rằng xây dựng cao tốc trên cao bằng phương pháp cầu bản trên cọc, kết hợp cùng giải pháp dầm U bên tông cường độ cao HPC, cường độ siêu cao UHPC cho các vị trí yêu cầu vượt nhịp lớn sẽ có hiệu quả vượt trội so với giải pháp truyền thống sử dụng đất, cát đắp nền khi xây dựng các tuyến cao tốc, đặc biệt tại các khu vực có nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long.
Đoạn cao tốc được xây dựng thử nghiệm theo công nghệ cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC - Ảnh: TIÊN DU
Suất đầu tư 12 triệu đồng/m² cao tốc cầu cạn
Ngoài xây dựng thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu, thời gian qua Hòa Bình Group cũng tự bỏ tiền thuê tư vấn khảo sát chiều sâu ép cọc khi xây dựng cao tốc tại các vùng trên cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy chiều sâu ép cọc khi thực hiện giải pháp cầu cạn cao tốc tại một số khu vực như sau: Lạch Huyện, TP Hải Phòng 35m, khu vực Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội từ 20-22m, Ninh Bình từ 10-12m, tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 25-50m.
Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Hòa Bình Group, chia sẻ với công nghệ xây dựng cao tốc trên cao sử dụng cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC, tùy theo từng khu vực địa chất tuyến cao tốc chạy qua, sức chịu tải và chiều sâu cọc sẽ được tính toán, thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.
Ông Đường cũng cho hay với giải pháp xây dựng cầu cạn cao tốc sẽ không mất thời gian chờ lún khi đắp nền cao tốc, tận dụng tối đa lợi thế cọc PRC đúc sẵn, tấm panel bản rỗng có sườn đúc sẵn để rút ngắn thời gian xây dựng. Đây là giải pháp thi công nhanh, thân thiện với môi trường và dự toán suất đầu tư khoảng 12 triệu đồng/m2 cao tốc.
Trước đó, trong văn bản gửi tới Hòa Bình Group vào tháng 7-2024, Bộ Giao thông vận tải cũng đánh giá cao việc doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất sử dụng giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông.
Đề xuất của Hòa Bình Group là một giải pháp kỹ thuật đã được xây dựng thí điểm và thử nghiệm thực tế với quy mô nhỏ, đánh giá sơ bộ có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường, Bộ Giao thông vận tải nhận định.
Bộ cũng đã giao Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hòa Bình Group để làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp tập đoàn đề xuất.