Chốt phiên giao dịch 16/1, giá vàng thế giới giao ngay tăng 17,7 USD lên 2.714 USD một ounce. Đây là mức cao nhất kể từ phiên 12/12. Kỷ lục của kim loại quý là 2.790 USD, xác lập phiên 31/10/2024.
Thị trường đi lên do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ gây sức ép lên lợi suất trái phiếu chính phủ. Trước đó, lạm phát nước này thấp hơn dự báo cũng làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Bộ Lao động Mỹ ngày 16/1 công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 217.000. Số liệu này cao hơn dự báo, cho thấy thị trường lao động phát tín hiệu yếu đi. "Việc này cũng gây thêm sức ép lên lợi suất trái phiếu chính phủ, giúp vàng hấp dẫn hơn", Alex Ebkarian - Giám đốc Tác nghiệp tại Allegiance Gold cho biết.
Từ phiên 15/1, giá vàng đã tăng tốc sau khi Mỹ công bố lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) tháng 12 là 0,2%. Trước đó, chỉ số này tăng 0,3% trong 4 tháng liên tiếp. Lạm phát lõi giảm khiến Fed được kỳ vọng tiếp tục hạ lãi suất.
Thị trường hiện dự báo Fed giảm tổng cộng 37 điểm cơ bản (0,37%) năm nay, cao hơn so với 31 điểm cơ bản trước khi số liệu lạm phát được công bố. "Giá vàng đang được hỗ trợ, miễn là thị trường vẫn tin tưởng Fed giảm lãi suất", Han Tan - trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity Group nhận định.
Bên cạnh đó, Israel hôm 16/1 không kích khiến ít nhất 77 người tại Gaza thiệt mạng. Việc này diễn ra vài giờ sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được công bố, nhằm chấm dứt 15 tháng chiến sự tại Trung Đông. Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng tăng giá. Bạc tăng 0,5% lên 30,8 USD một ounce. Bạch kim đắt thêm 0,4% lên 934 USD.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)