Sáng 8/9, các khu chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã hoạt động lại sau cơn bão Yagi. Giá thực phẩm như thịt, cá không biến động nhiều, nhưng rau xanh tăng mạnh. Trong đó, nhiều loại như mùng tơi, cải, ngót... đều có giá 15.000 đồng một bó.
Theo một tiểu thương kinh doanh ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), giá rau củ đã tăng dần từ mấy ngày trước bão khi nhu cầu tích trữ của người dân lên cao. "Giá rau hôm nay tăng tiếp 20-30% so với hai ngày trước", người này nói.
Một số hộ kinh doanh tại khu vực chợ này hôm nay vẫn nghỉ bán. Tương tự, ở nhiều khu chợ khác, lượng người bán cũng vắng hơn mọi ngày.
Một quầy rau, củ tại chợ Nghĩa Tân nghỉ bán hàng sáng 8/9. Ảnh: Anh Tú
Tại Hải Phòng - thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi bão, chị Thu Thanh, trú phường Kênh Dương, quận Lê Chân, cho biết các chợ dân sinh ở quanh khu vực này cũng mở cửa từ sáng. Theo chị, lượng người bán hàng cũng như số lượng các sản phẩm hôm nay ít hơn ngày thường.
Giá nhiều loại rau xanh tại chợ Hải Phòng hiện được bán đồng giá 15.000 đồng một bó. Chỉ có rau dền rẻ hơn, với khoảng 12.000-13.000 đồng một mớ. Các loại củ quả khác tăng nhẹ như su su, bắp cải từ 20.000 đồng một kg, súp lơ 50.000 đồng...
Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh, một số mặt hàng rau, củ, quả cũng có xu hướng tăng 5-10% so với những ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ.
Lý giải giá rau tăng, các tiểu thương cho biết do giá mua buôn tăng cao, việc nhập hàng, di chuyển cũng khó khăn hơn nhiều do ảnh hưởng mưa bão. Dự kiến giá rau vài ngày tới khó giảm vì mưa to, gió lớn gây thiệt hại nhiều hoa màu.
Quầy hàng rau, củ tại một siêu thị lớn trên đường Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy lúc 12h trưa 8/9. Ảnh: Anh Tú
Trong khi đó tại siêu thị, giá các loại rau, củ vẫn được giữ ở mức ổn định. Ghi nhận trưa 8/9, các kệ thực phẩm, rau củ ở nhiều siêu thị Hà Nội đầy ắp, không còn cảnh cháy hàng như hai ngày trước. Tại một siêu thị lớn trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), các loại rau như cải, muống có giá từ 13.000-15.000 đồng một bó, nặng 0,45-0,5 kg, bắp cải từ 22.000 đồng một kg.
Còn ở Hải Phòng, người dân đến các siêu thị ngay từ sáng sớm để mua bánh mỳ, nước lọc khi nhiều khu vực thành phố này vẫn chưa có điện và nước. Đến giờ trưa, một số điểm bán hết nước lọc trên kệ hàng. Đồng thời, nhiều người cũng đến siêu thị để tranh thủ sạc điện thoại, thiết bị điện tử.
Người dân Hải Phòng đổ đến trung tâm thương mại Aeon Mall ở quận Lê Chân lúc đầu giờ chiều 8/9. Ảnh: Dương Thanh
Đại diện Aeon Việt Nam cho biết sáng nay, sau cơn bão người dân đã bắt đầu đi mua sắm trở lại và nhu cầu chủ yếu vẫn là các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống này sẽ bổ sung đầy đủ hàng hóa, ổn định giá để đáp ứng nhu cầu.
Tương tự bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho hay hiện tại hàng hóa tại siêu thị vẫn đầy đủ, giá cả ổn định. "Một số nhà cung cấp không giao hàng hôm nay nhưng chúng tôi đã có dự trữ đủ hàng để phục vụ người dân", bà Dung nói.
Hôm nay, toàn bộ siêu thị WinMart hoạt động bình thường. Các cửa hàng nhỏ hơn như WinMart+/ Win cũng mở cửa trừ một số cơ sở bị thiệt hại (vỡ kính, bay mái tôn) hay nằm trong khu vực lụt, cây đổ gây cản trở giao thông.
Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngày 8/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở cửa. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do hàng hóa thiết yếu đã được mua từ ngày 6/9. Tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát, cập nhật tình hình để có chỉ đạo.
Anh Tú - Phương Dung