Theo Quy hoạch đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 7 thành phố là: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn. Trong ảnh là bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ninh, phần màu vàng là huyện Hải Hà, phần màu xanh lá là thành phố Móng Cái. Ảnh: Quangninh.gov.vn.
Trong đó dự kiến thành phố Móng Cái (rộng 518 km2) sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà (rộng 690 km2) để trở thành một “siêu thành phố” mới, có diện tích lên tới 1.200 km2. Với diện tích này, Móng Cái - Hải Hà sẽ rộng gần bằng các thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng (1.285 km2), Cần Thơ (1.402 km2) hay Hải Phòng (1.519 km2). Trong ảnh là toàn cảnh huyện Hải Hà.
Móng Cái hiện là thành phố cửa khẩu, có vị trí chiến lược về kinh tế chính trị, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Thành phố có diện tích 518 km2 với dân số khoảng 108.000 người (2022). Trong ảnh là một góc của thành phố Móng Cái.
Thành phố Móng Cái là một phần của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với quy mô lớn bậc nhất cả nước, diện tích đạt hơn 1.200 km2 (bao gồm 690km2 trên bộ và 520 km2 trên biển). Đây là nơi có cả đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc, có cả cửa khẩu trên bộ (cửa khẩu quốc tế Móng Cái) và cửa khẩu trên biển (cửa khẩu cảng Vạn Gia…).
Chính vì thế các hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá diễn ra mạnh mẽ. Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 5.588 tỷ USD, thì riêng cửa khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái đã chiếm 5,49 tỷ USD (khoảng 98% tổng kim ngạch của tỉnh Quảng Ninh).
Móng Cái có hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển. Năm 2022, Quảng Ninh đã khánh thành, đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km. Đây là “mảnh ghép cuối cùng” để Quảng Ninh hoàn thành tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài 176 km, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc gần 600 km, kéo dài từ cửa khẩu Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Lào Cai - Móng Cái), là chuỗi cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam hiện nay.
Việc tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động đã giúp thành phố Móng Cái thuận tiện trong lưu thông hàng hóa, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đồng thời thúc đẩy được du lịch của địa phương. Năm 2023, khách du lịch đến Móng Cái ước đạt trên 2,5 triệu người (tăng 130% so với cùng kỳ) và gần bằng lượng khách đến vịnh Hạ Long (2,69 triệu người).
Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, Móng Cái đã hoàn thành thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay với tổng thu ước đạt 4.880 tỷ đồng ( tăng 30,3% so với cùng kỳ).
Còn huyện Hải Hà nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên khoảng 690 km2, dân số khoảng 66.000 (số liệu năm 2022). Hải Hà có 35 km đường bờ biển và 17,2 km đường biên giới trên bộ giáp với Trung Quốc.
Huyện Hải Hà có cửa khẩu Bắc Phong Sinh thông thương với Khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đồng thời, có Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà kết nối với Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (2 mũi đột phá của tỉnh) đã và đang mang đến nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chỉ tính trong năm 2023, Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà thu hút được 4 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD; cao hơn 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó nổi bật là dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với số vốn 1,5 tỷ USD.
Cũng trong năm 2023, huyện Hải Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 8.100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 88,7 triệu đồng/người/năm.