Thời gian qua, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng, vừa đóng góp tạo sự đột phá, vừa khơi dậy các nguồn lực khác để khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế vốn có của Đà Nẵng.
Để có một cái nhìn toàn cảnh về thu thu hút đầu tư năm 2022 và kế hoạch cho năm 2023, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng về vấn đề này.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Doanh nghiệp FDI thúc đẩy phát triển kinh tế Đà Nẵng
Bà đánh giá như thế nào về sự đóng góp của doanh nghiệp FDI trong việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian qua?
Bà Huỳnh Liên Phương: Các dự án FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đồng thời đã tạo ra một số ngành sản xuất quan trọng với các sản phẩm mới như: linh kiện hàng không vũ trụ, điện tử, mô-tơ điện, phụ tùng ô tô…
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI đóng góp bình quân 9,4% tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế, đồng thời làm gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển (khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 21,9% tỷ trọng vốn đầu tư phát triển), chiếm 34,2% GRDP thành phố; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 21.921 tỷ đồng (18,54%).
Các doanh nghiệp FDI đã giải quyết hơn 190.000 việc làm, chiếm 15,37%. Không đơn giản là giải quyết việc làm, các doanh nghiệp FDI đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Năng suất lao động xã hội khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn gấp 2 lần so với khu vực ngoài nhà nước. Điều này cho thấy các dự án FDI đã góp phần tích cực giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lực lượng lao động địa phương.
Ngoài ra, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn này đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng xuất khẩu của thành phố: tổng giá trị xuất khẩu khu vực chiếm bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu của toàn thành phố và cao hơn kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu…
Nhiều rào cản thu hút vốn FDI
Có thể thấy, tình hình thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đã có những tín hiệu khả quan, song vẫn chưa có sự đột phá, đặc biệt là việc thu hút FDI. Đâu là nguyên nhân cản trở thu hút FDI ở Đà Nẵng hiện nay?
Bà Huỳnh Liên Phương: Trong năm vừa qua, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng. Về khách quan, có thể thấy những tác động trung và dài hạn của dịch bệnh COVID-19, xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế… trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của dòng vốn đầu tư FDI.
Sự hạn chế của các đường bay quốc tế đã làm chậm kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng trong việc mở rộng đầu tư tại các địa điểm mới khác với thị trường đang hoạt động. Bên cạnh đó, việc thu hút thành công một dự án FDI có chất lượng cao vào Đà Nẵng cần thời gian để đạt kết quả mong muốn, khoảng từ 1-2 năm.
Hiện nay, các KCN hiện hữu phần lớn đã được lấp đầy, quỹ đất trống còn lại khá nhỏ, rải rác và không có chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội so với các địa phương khác. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn hưởng các ưu đãi đầu tư tại Khu CNC Đà Nẵng cần phải đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm và công nghệ, suất đầu tư…theo quy định. Thực tế cho thấy số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí này còn khá khiêm tốn.
Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư và trao ký kết cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư công bố lên tới 5,6 tỷ USD. Ảnh: Thành Vân.
Việc xúc tiến các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, logistics gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian chủ yếu vì các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ngoài ra, thành phố đang triển khai tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra; một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng.
Có thể nói nguồn nhân lực tuy là lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong khu vực nhưng nhìn chung, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thị trường. Thành phố vẫn còn thiếu lao động lành nghề, thông thạo ngoại ngữ, kể cả công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia cấp cao để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hình ảnh sản xuất tại nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) Vietnam của Mỹ đầu tư với tổng số vốn đầu tư 170 triệu USD ở Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng giá đất công nghiệp ở Đà Nẵng cao hơn nhiều so với các địa phương lân cận. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
Giá đất không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm triển khai dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn rất nhiều các yếu tố "mềm" khác...
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng
Bà Huỳnh Liên Phương: So với các thành phố trực thuộc Trung ương khác như Hà Nội hoặc TP.HCM, giá thuê trung bình tại các KCN ở Đà Nẵng vẫn ở mức tương đối hợp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Báo cáo quý III/2022 của Colliers cho thấy giá thuê trung bình tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 146 và 200 USD/m2/kỳ hạn. Trong khi đó, giá thuê trung bình tại Đà Nẵng chỉ đạt mức 100 USD/m2/kỳ hạn.
Tuy nhiên, giá đất không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm triển khai dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn rất nhiều các yếu tố "mềm" khác như nguồn nhân lực chất lượng cao, sự hỗ trợ của chính quyền, môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, môi trường sống an bình, bền vững…
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang tập trung cải thiện chất lượng môi trường đầu tư trên những khía cạnh này để thật sự trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Tham vọng thu hút 7 tỷ USD
Ở giai đoạn sắp tới, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút vào những lĩnh vực nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh?
Bà Huỳnh Liên Phương: Trong thời gian đến, thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực, chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thành phố có nhiều thế mạnh phát triển.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch - bất động sản giá trị cao, tài chính, thể dục - thể thao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế, công nghệ thông tin, R&D, dịch vụ tài chính, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, du thuyền quốc tế, văn hóa.
Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút thành công khoảng 7 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thành phố đang tập trung triển khai kêu gọi vốn đầu tư vào dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp trên đường Võ Văn Kiệt. Chỉ riêng dự án này kỳ vọng sẽ thu hút tối thiểu 2 tỷ USD vốn đầu tư. Cả cụm dự án hỳ vọng sẽ trở thành một siêu dự án trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, vào đầu tháng 12/2022, thành phố đã khởi công xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án Cảng Liên Chiểu. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển logistics, thương mại, dịch vụ và góp phần làm tăng vị thế vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển khu vực Đông Nam Á. Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư 02 bến container đầu tiên, dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2023. Dự án hiện nay đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án có ý nghĩa khác như: Khu tổ hợp thương mại, thể thao, giải trí quốc tế; Không gian đổi mới sáng tạo; Viện dưỡng lão; Bệnh viện quốc tế; Trường liên cấp quốc tế…
Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao. Ảnh: Thành Vân.
Vậy giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới là gì?
Làm thế nào để thu hút thành công các dự án FDI có chất lượng cao là một trong những vấn đề trọng tâm mà TP. Đà Nẵng tập trung xem xét.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng
Bà Huỳnh Liên Phương: Thời gian đến, thành phố sẽ tập trung thu hút nguồn vốn FDI từ các thị trường truyền thống, trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức...; tận dụng và khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện); chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500). Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh tại các thị trường tiềm năng khác, tiêu biểu như Ấn Độ. Trong năm 2023, thành phố sẽ chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố.
Đối với lĩnh vực công nghệ cao - trọng tâm phát triển của thành phố trong thời gian đến, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao, hoàn thiện thủ tục Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Để đáp ứng nhu cầu về quỹ đất thu hút đầu tư, thành phố đang triển khai thủ tục đầu tư 3 KCN mới với tổng diện tích hơn 880 ha.
Đối với lĩnh vực CNTT, một trong những thế mạnh nổi bật của thành phố trong thời gian qua, thành phố đã có kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn bà!
Tính đến ngày 15/12, toàn thành phố có 50 dự án FDI cấp mới chứng nhận (tăng 6 dự án so cùng kỳ năm 2021). Mặc dù tăng về số dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD (bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021).
Có 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 58,51 triệu USD; 38 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm là 6,58 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng của khu vực FDI đạt 135,3% (bằng 78,7% so với cùng kỳ năm 2021).
Về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến 15/12, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng (tăng 6 dự án và tăng 72,0% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021).
Trong đó, có 12 dự án nằm ngoài Khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCN, KCNC) với tổng vốn đăng ký đạt 9.916 tỷ đồng; 21 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn đạt 3.953 tỷ đồng.
Theo Thành Vân
Nhà đầu tư