Rahul Sahu, cậu bé 10 tuổi bị khiếm thính và câm, rơi xuống hố khoan sâu 24 m trong lúc chơi gần nhà ở làng Pihrid, huyện Janjgir-Champa, bang Chhattisgarh của Ấn Độ, vào ngày 10/6/2022.
Giới chức Ấn Độ đã huy động hơn 500 người từ Lực lượng Phản ứng Thảm họa Quốc gia, lực lượng cứu hộ bang và quân đội để giải cứu cậu bé. Chiến dịch cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì thời tiết xấu, địa hình nhiều đá và sự hiện diện của những loài rắn độc và bọ cạp tại hiện trường.
Quá trình giải cứu cậu bé Sahu ở Ấn Độ hồi tháng 6/2022. Video: NY Post.
Sahu duy trì sự sống trong thời gian mắc kẹt nhờ nguồn oxy truyền từ mặt đất, cùng những quả chuối được các nhân viên cứu hộ đưa xuống.
Lực lượng cứu hộ sử dụng máy xúc và robot để khoan lỗ sâu 21 m song song với hố khoan mà Sahu mắc kẹt, sau đó đào đường hầm dài gần 5 m để tiếp cận vị trí cậu bé. Nỗ lực giải cứu kết thúc sau 104 giờ, cậu bé được đưa lên mặt đất rạng sáng 14/6 trong tình trạng tỉnh táo, khiến nhiều người hò reo ăn mừng. Các bác sĩ cho biết Sahu bị suy nhược đáng kể do đói và khát trong thời gian mắc kẹt.
Bhupesh Baghel, quan chức bang Chhattisgarh, nói rằng Sahu có "bạn đồng hành là một con rắn và một con ếch" trong suốt thời gian mắc kẹt.
Sahu sau khi được giải cứu đêm 14/6/2022. Ảnh: Hindu.
Lực lượng cứu hộ cho biết khoan sâu ở địa hình nhiều đá như khu vực Pihrid là quá trình rất khó khăn, do mảnh vụn đất đá luôn có khả năng bịt kín lỗ. Giới chức cũng phải kêu gọi người dân địa phương liên tục bơm nước từ các hố khoan gần đó, do nguồn nước ngầm liên tục được bổ sung có thể gây nguy hiểm cho Sahu và lực lượng cứu hộ.
"Đó là hành trình từ cõi chết trở về, nhưng tôi chưa bao giờ mất hy vọng", mẹ của Rahul, Geeta Sahu, chia sẻ sau khi con được giải cứu.
"Thằng bé có ý chí sắt đá. Dù con tôi có một số khiếm khuyết, nó mạnh mẽ hơn nhiều người khác", Ram Kumar Sahu, bố của Rahul, nói.
Vũ Anh (Theo Hindu)