Sai lầm phải trả giá bằng 10 năm và hơn thế nữa
Trước những thông tin sai phạm của dự án được báo chí đăng tải, shark Việt mới đây đã trần tình: "Công tác xây dựng, bàn giao, quản lý vận hành đã có những sai sót. Trong nhiều năm qua, Intracom đã ý thức sâu sắc những điều này và không ngừng nỗ lực khắc phục để mang lại cuộc sống ổn định cho cư dân sinh sống tại đây".
"Từ năm 2015, các sở ban ngành cũng đã thanh tra, kiểm tra và chúng tôi đã chấp hành các nội dung xử phạt và thực hiện các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, một số giải pháp của chúng tôi vẫn chưa nhận được sự đồng thuận với một số cư dân dẫn đến việc khiếu nại vẫn tiếp tục", shark Việt nói.
Công ty của Shark Việt vướng sai phạm.
Ông cũng khẳng định, để xảy ra những việc như vậy cũng là do lỗi của bản thân ông trong công tác điều hành, quản lý.
"Hiện các cơ quan chức năng cũng đã thanh, kiểm tra lại một lần nữa và đưa ra kết luận, hướng dẫn giải pháp để giải quyết dứt điểm các nội dung này. Intracom sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương để xử lý các vướng mắc còn lại trong thời gian sớm nhất".
"Tôi nói ra ở đây không phải để biện minh mà muốn khẳng định rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến cùng", shark Việt nói.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ lại vừa có kết luận về hàng loạt nội dung khiếu nại, tố cáo về những sai phạm tại chung cư này. Theo đó, công ty của shark Việt tự thay đổi về chiều cao các tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, chuyển đổi công năng sử dụng tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng tum nhằm tăng thêm 33 căn hộ để bán.
Hồi năm 2018, trong một buổi giao lưu do Shark tank Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Intracom từng nhấn mạnh 5 đặc điểm của một startup sẽ được ông đầu tư. Trong 4 bí quyết này, theo shark Việt, chữ Tín là số một.
Chủ tịch doanh nghiệp Intracom lấy ví dụ khá hài hước. Nếu ông hợp tác cùng shark Phú nhưng không giữ chữ Tín, thì sẽ nhận được những nhận xét như "ông Việt chỉ được cái bốc phét chém gió thôi". "Tôi khuyên các bạn phải giữ chữ tín. Ta có thể thành công, có thể thất bại nhưng đừng làm thằng hèn. Đừng có mất uy tín", shark Việt từng nhắn nhủ giới startup.
Siêu doanh nghiệp mà CEO ở nhà cấp 4, thuê văn phòng ảo?
Trong tuần qua, sự kiện được nhiều người quan tâm là buổi livestream của giám đốc công ty 500.000 tỷ đồng. Buổi livestream của Nguyễn Vũ Quốc Anh gây chú ý bởi những phát ngôn gây chú ý.
Về việc kinh doanh, Quốc Anh cho biết doanh thu năm nay dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng từ tháng 7 đến tháng 12, sẽ tiến sang thị trường Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc để mang ngoại tệ về. Đến 2022, doanh số sẽ lên một tỷ USD, đến 2023-2025 doanh số nhắm đến 30 tỷ USD, phủ 250 quốc gia.
"Dĩ nhiên mọi người nghĩ con số là khủng, nhưng đối với tôi con số này chả là gì", 8X nói về mốc doanh số 10.000 tỷ đồng.
Tiếp tục vẽ giấc mộng của mình, Quốc Anh cho biết mình sẽ xây một trung tâm kinh doanh tài chính, trung tâm tự động toàn cầu tại Việt Nam.
Ông chủ "siêu doanh nghiệp" 500.000 tỷ đồng bất ngờ livestream, tuyên bố: "Tôi không nổ, PR bản thân".
"Nếu mọi chuyện thuận lợi sẽ xây 17 tòa nhà đại diện cho 17 công ty của tập đoàn này. Dự kiến vốn đầu tư cho khu tài chính này khoảng 30 tỷ USD", Quốc Anh hùng hồn.
Khi bị chê "tỷ phú mà ở nhà cấp 4, đi xe gắn máy", Quốc Anh phản bác cho rằng mỗi người mỗi phong cách sống, bản thân anh thích sống đời giản dị.
"Tôi thích gần gũi người nghèo, người khó khăn, thích đi giao lưu người này, học hỏi người kia. Đi xe hơi, khoe mình là chủ tịch nhiều tiền, nói chuyện với bạn bè họ sẽ giữ khoảng cách, thái độ khép nép, chừng mực... Mình khó chịu lắm", vị CEO trước đó vừa thừa nhận không có tiền cho biết.
Hai tỷ USD trong tay gia đình đại gia Hồ Hùng Anh
Theo Forbes, tính tới 13/6, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank có khối tài sản tròn 2 tỷ USD. Cổ phiếu Ngân hàng Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh liên tục tăng trong thời gian gần đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là trụ cột trên thị trường chứng khoán và có triển vọng khá tươi sáng.
Cổ phiếu Ngân hàng Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận mức tăng 1,63% trong tuần... Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là trụ cột trên thị trường chứng khoán và có triển vọng khá tươi sáng. Những thông tin về tăng vốn và sắp tới là room tín dụng mới và kết quả kinh doanh quý II... sẽ là những thông tin có thể hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này nói riêng và cổ phiếu ngân hàng nói chung.
Theo VDSC, ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận 27% trong năm nay. VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của ngành sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nền so sánh thấp.
TPBank của ông Đỗ Minh Phú thông kế hoạch tăng trưởng 32% lợi nhuận trước thuế trong năm nay so với năm 2020, tương đương khoảng 5.800 tỷ đồng. TPBank cũng đặt kế hoạch tài sản tăng 21% lên 250 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 20% lên gần 222 nghìn tỷ đồng.
Hồi giữa 2018, ông Đỗ Minh Phú được bầu giữ chức Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (TPB) - nhiệm kỳ mới 2018-2023, sau khi rời chức chủ tịch của Tập đoàn VBĐQ DOJI và 5 doanh nghiệp khác, bao gồm VBĐQ SJC Hà Nội, VBĐQ SJC Đà Nẵng, Đá quý và Vàng Yên Bái, Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ và TNHH Đầu tư BĐS DOJILand.
350 tỷ đồng mua chứng khoán
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp vừa có báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS). Theo đó, cá nhân này đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 17 triệu cổ phiếu VDS.
Ông Hiệp là nhà đầu tư cá nhân không có mối quan hệ liên quan đến cổ đông nội bộ của Chứng khoán Rồng Việt đã mua 17 triệu cổ phiếu VDS, tương đương 17% vốn của Rồng Việt từ ngày 10-14/6.
Trước giao dịch trên, ông Hiệp không nắm giữ cổ phiếu VDS nào. Tạm tính theo mức giá cổ phiếu VDS hiện tại, nhà đầu tư Hiệp phải chi khoảng 350 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu này.
Trong khi đó, tại Chứng khoán MB (MBS), ông Trần Hải Hà - Tổng Giám đốc - vừa đăng ký bán toàn bộ một triệu cổ phiếu MBS đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 17/6 tới 16/7.
Mục đích thực hiện giao dịch nhằm thu xếp kế hoạch tài chính cá nhân, giao dịch dự kiến được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trong báo cáo được đưa ra vào đầu năm, bộ phận phân tích MBS đã đưa ra khuyến nghị cổ phiếu MBS là 28.300 đồng/cp (giá trước điều chỉnh chào bán cho cổ đông), cao hơn nhiều so với thị giá thời điểm đó.
Một thương vụ khác cũng gây chú ý ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc Đất Xanh - đã bán ra 690.000 cổ phiếu DXG. Theo đó, ông Sơn đã chốt lãi đúng vùng đỉnh của DXG kể từ khi mã này lên sàn cho tới nay.
Ngay sau đó, DXG lao dốc không phanh. Cú chốt lãi "thần sầu" của sếp Đất Xanh đã khiến nhiều cổ đông của doanh nghiệp ngỡ ngàng.
Theo Bảo AnhVietNamNet