Chuyên mục  


Sáng 7/12, tại TP Vinh, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã chính thức khai mạc.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng như: báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời, thảo luận và xem xét thông qua 19 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2022. Những kết quả tích cực, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua. Xem xét, quyết định sát - đúng các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cơ bản và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công năm 2023.

Đối với việc thảo luận và xem xét thông qua 19 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể quy định trong nghị quyết bảo đảm nghị quyết HĐND tỉnh thống nhất, đồng thuận cao khi quyết nghị, tạo thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện.

Tại kỳ họp, ông Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực; hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,08%/KH 8,5-9,5%. Với kết quả này, Nghệ An đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước.

Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Dự kiến đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,18% tổng số xã, số tiêu chí bình quân đạt 16,95 tiêu chí/xã; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14% so với năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 4,45 triệu lượt, gấp 2,46 lần. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55%; là năm thứ 2 liên tiếp đã vượt chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.

Thu hút đầu tư đạt kết quả rất tích cực. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã chủ động công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và các dịch bệnh khác. Giáo dục tiếp tục giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên.

Cũng trong hôm nay, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 5.

Theo báo cáo tại kỳ họp, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk có nhiều điểm nổi bật như: Tất cả 16/16 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đều đạt và vượt; trong đó, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,94%; sản xuất công nghiệp tăng 22,12% so cùng kỳ năm trước; một số dự án, nhà máy điện gió, điện mặt trời có quy mô lớn bắt đầu hoạt động, phát điện thương mại, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Đắk Lắk khai mạc Kỳ họp thứ 5 năm 2022

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của tỉnh lần đầu tiên ước đạt 9.152 tỷ đồng, bằng 111,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao và bằng 137,25% dự toán Trung ương giao, tăng 11,53% so với năm 2021. Trong đó, thu biện pháp tài chính ước đạt 3.341 tỷ đồng, bằng 119,6% kế hoạch, tăng 91,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD, bằng 125% kế hoạch.

Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả việc phát triển các nông sản chủ lực như: Xây dựng thành công mã vùng trồng sầu riêng; mặt hàng sầu riêng, mắc ca của tỉnh lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Nhật Bản; doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch duy trì ở mức tăng trưởng khá…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đắk Lắk vẫn còn hạn chế như: Tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt thấp hơn kế hoạch; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra nhưng thu biện pháp tài chính cấp tỉnh năm thứ hai liên tiếp không đạt, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của cả giai đoạn, chi ngân sách ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng; công tác triển khai các dự án đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập; tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện công chậm được khắc phục…

Đây là những vấn đề mà Kỳ họp cần quan tâm, phân tích làm rõ để kịp thời phát huy các ưu điểm, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế để góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo Thu Hiền - Huỳnh Thủy

Tiền Phong

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020