Chuyên mục  


Bỏ học để theo đuổi ước mơ kinh doanh 

Tỷ phú Gautam Adani sinh ngày 24/6/1962 trong một gia đình bình thường ở Gujarat. Gia đình ông có tất cả 7 anh chị em. Cha của ông làm nghề buôn vải, là lao động chính trong nhà. Vì thế, Gautam có một tuổi thơ tương đối nghèo khó.

Ngay từ bé, ông Gautam đã bộc lộ niềm đam mê với kinh doanh. Trong một chuyến đi thực tế ở trường học, chứng kiến sự nhộn nhịp ở cảng biển Kandla đã thôi thúc ông theo đuổi một ước mơ khá lớn đó là xây dựng điều gì đó tương tự.

Tuy nhiên, giấc mơ của ông không biến thành hiện thực một cách dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp trường Sheth Chimanlal Nagindas Vidyalaya ở Ahmedabad, ông trúng tuyển vào khoa Thương mại của Đại học Gujarat. Thế nhưng vị tỷ phú nhận ra rằng, con đường học thuật không phải dành cho ông.

Sau đó, ông đã bỏ học để theo đuổi ước mơ kinh doanh khi là sinh viên năm thứ hai, nhưng ông không nối nghiệp kinh doanh vải của gia đình. Năm 1978, ông Gautam Adani quyết định đến Mumbai để làm việc. Khi ấy, trong túi ông chỉ có vỏn vẹn một tờ 100 rupee.

Tại Mumbai, ông được nhận vào làm trong công ty Mahindra Brothers, với vị trí là một nhân viên phân loại kim cương. Sau 2-3 năm làm việc, ông đã quyết định thành lập công ty môi giới kim cương của riêng mình là Zaveri Bazaar, tọa lạc ngay giữa trung tâm mua bán trang sức sầm uất của Mumbai.

Năm 1981, anh trai ông là Mahasukh Adani, mới mua lại một nhà máy nhựa ở Ahmedabad và muốn em trai về điều hành cùng. Ông Gautam đồng ý và bắt đầu nhập khẩu nhựa PVC về Ấn Độ để cung cấp cho các ngành công nghiệp quy mô nhỏ vào năm 1985.

Đến năm 1988, vị doanh nhân này đã thành lập Adani Exports Limited, công ty mẹ của Tập đoàn Adani, chuyên kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng. Hiện nay, Adani Export được biết đến với tên gọi Adani Enterprises Limited.

Tuy nhiên, khi Ấn Độ chuyển sang nền kinh tế tự do vào năm 1991, ông đã nắm bắt cơ hội và nhanh chóng mở rộng kinh doanh. Vị tỷ phú Ấn Độ đã đưa Adani Group trở thành một đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác than, phân phối gas và dầu, cảng biển và các đặc khu kinh tế.

Năm 1995, ông đàm phán thành công và giành quyền xây dựng cảng biển Mundra ở Gujarat, biến nơi này thành cảng biển tư nhân lớn nhất tại Ấn Độ.

Tỷ phú Gautam Adani cùng với gia đình.

2 lần thoát chết

Năm 1998, theo ET Now News, ông Gautam và một người bạn của ông đã bị xã hội đen dùng súng khống chế và bắt cóc khi đang lên xe rời khỏi Câu lạc bộ Karnavati ở Ahmedabad. Những kẻ bắt cóc được cho là đã đòi gia đình vị tỷ phú khoảng 2 triệu USD. Kẻ bắt cóc nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó và nhận mức án 20 năm tù giam.

10 năm sau, vị tỷ phú lại tiếp tục đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Cụ thể, vào năm 2008, khi ông đang ăn tối cùng đối tác trong nhà hàng ở khách sạn Taj (Mumbai), một nhóm khủng bố xông vào tòa nhà. 

Chỉ đến khi lực lượng cảnh sát kiểm soát được tình hình, ông Gautam và nhiều người khác mới có thể ra ngoài sau khi trốn dưới tầng hầm của tòa nhà. "Chúng tôi có hơn 100 người, ai nấy đều cầu nguyện cho mạng sống của mình. Tôi đã đứng cách cái chết chỉ 4,5m", vị tỷ phú này chia sẻ với một tờ báo địa phương.

Giá trị tài sản ròng của Gautam Adani tăng gần gấp 3 lần trong vòng 1 năm

Theo Forbes, tính từ năm ngoái đến nay, giá trị tài sản ròng của vị tỷ phú người Ấn Độ đã tăng gần gấp 3 lần, ước tính khoảng 74,8 tỷ USD. Cổ phiếu 6 công ty niêm yết của vị tỷ phú đã tăng từ 73% đến 630% trong năm qua. Theo đó, ông Gautam Adani trở thành vị tỷ phú giàu thứ 24 của thế giới và đứng thứ 2 ở châu Á.

Là nhà khai thác cảng tư nhân lớn nhất của Ấn Độ, vào đầu năm nay Tập đoàn Adani đã nắm quyền kiểm soát sân bay Mumbai, sân bay lớn thứ hai của Ấn Độ, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 74%.

Ngoài ra, tập đoàn hiện cũng đang tìm cách IPO công ty Adani Wilmar, một liên doanh với Wilmar International của tỷ phú kinh doanh nông sản người Singapore, Kuok Khoon Hong. Gần đây, vị tỷ phú người Ấn Độ đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD trong 10 năm tới vào năng lượng xanh.

Mới đây, trong buổi làm việc với Đại sứ Phạm Sanh Châu và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, tỷ phú Gautam Adani cho biết Tập đoàn Adani sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh về cảng biển, cảng hàng không và nhiệt điện tại Việt Nam.

"Trở thành một doanh nhân là công việc mơ ước của tôi vì nó kiểm tra sự kiên trì của mỗi người", trích lời của tỷ phú Gautam Adani trả lời Forbes.

Giang Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020