Nhiều người Hàn Quốc đang chia sẻ trên mạng xã hội thông tin về sản phẩm do các công ty con của tập đoàn Aekyung sản xuất, kêu gọi những người khác tẩy chay chúng. Các mặt hàng bao gồm mỹ phẩm, chăm sóc tóc, chăm sóc răng miệng, vệ sinh. Hầu hết được sản xuất bởi Aekyung Industrial.
"Đây là các nhãn hiệu thuộc tập đoàn Aekyung, công ty mẹ của Jeju Air", là chú thích một bài đăng ngày 31/12, kèm lời kêu gọi tẩy chay hàng chục thương hiệu, từ kem đánh răng cho đến nước tẩy nhà bếp.
Người thân của các nạn nhân trên phi cơ Jeju Air chờ đợi tại sân bay ngày 29/12. Ảnh: Reuters
Làn sóng tẩy chay diễn ra trong bối cảnh công chúng Hàn Quốc nghi ngờ Jeju Air đã khai thác máy bay quá mức và lơ là công tác bảo dưỡng, dẫn tới thảm kịch rơi máy bay khiến 179 người chết tại sân bay Muan ngày 29/12.
Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, Jeju Air ghi nhận 68.000 vé máy bay bị hủy trong một ngày. Theo điều tra sơ bộ, số giờ bay mỗi tháng của Jeju Air là 418 tiếng, hơn các hãng bay nội địa khác 63-83 tiếng, làm dấy lên lo ngại hãng đặt lợi nhuận lên trên an toàn của hành khách.
Chỉ một ngày sau thảm kịch, một chiếc Boeing 737-800 khác do Jeju Air khai thác cũng phát hiện lỗi càng đáp không lâu sau khi cất cánh, phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Gimpo ở thủ đô Seoul. Sự việc làm gia tăng suy đoán rằng quy trình bảo dưỡng máy bay của Jeju Air không đảm bảo chất lượng và dẫn tới thảm kịch ở Muan.
Tuy nhiên, hãng hàng không Hàn Quốc đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định luôn đặt ưu tiên hàng đầu vào đảm bảo an toàn. "Chúng tôi không đồng tình với suy đoán cho rằng quy trình bảo dưỡng máy bay kém chất lượng. Jeju Air chưa bao giờ rút ngắn quy trình bảo dưỡng, chúng tôi không bao giờ coi nhẹ vấn đề an toàn", Song Kyung-hoon, quan chức Jeju Air, nói.
Nhiều người Hàn Quốc còn tức giận bởi 11 tiếng sau thảm kịch, chủ tịch tập đoàn Aekyung Chang Young-shin mới ra tuyên bố xin lỗi. Ngoài ra, còn có thông tin rằng tuyên bố xin lỗi ban đầu chỉ gửi qua phóng viên thay vì gửi trực tiếp đến công chúng.
Một yếu tố khác cũng thúc đẩy làn sóng tẩy chay là cuộc chiến pháp lý đang diễn ra giữa Aekyung với nạn nhân các sản phẩm khử trùng máy tạo độ ẩm. Sản phẩm khử trùng của hãng bị cáo buộc gây tổn thương phổi và cơ quan hô hấp của 98 người tiêu dùng từ năm 2002 tới 2011, trong đó 12 người tử vong.
Một người biểu tình ở quảng trường Gwanghwamun, thủ đô Seoul, ngày 26/12 liên quan đến bê bối sản phẩm khử trùng máy tạo độ ẩm của Aekyung. Ảnh: Yonhap
Tập đoàn Aekyung cùng chính quyền tỉnh Jeju thành lập hãng hàng không giá rẻ Jeju Air năm 2005, trong đó tập đoàn nắm hơn 50% cổ phần. Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Hàn Quốc niêm yết sàn chứng khoán năm 2015.
Trong số 5 công ty con của tập đoàn Aekyung, Jeju Air là công ty có lợi nhuận cao nhất. Năm 2023, hãng đạt doanh thu 1,72 nghìn tỷ won (1,17 tỷ USD), lợi nhuận 170 tỷ won. Doanh thu này cao hơn tổng doanh thu của Aekyung Chemical và Aekyung Industrial, hai công ty đạt doanh thu cao thứ hai và thứ ba của tập đoàn.
Hồng Hạnh (Theo Korea Times)