Quỹ hưu trí tự nguyện (hay quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện) là loại hình đầu tư được tham gia đóng góp bởi người lao động và doanh nghiệp (người sử dụng lao động). Mục đích của chương trình hưu trí là tạo ra công cụ để người lao động đầu tư và tích lũy nhằm có thêm nguồn thu nhập bổ sung khi đến tuổi về hưu, bên cạnh lương hưu chi trả bởi Bảo hiểm xã hội.
Tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện được quản lý bởi các chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Nhóm chuyên gia này sẽ thay người thụ hưởng đầu tư vào các tài sản sinh lời như tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, chứng chỉ quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu.
Quyền lợi của người tham gia quỹ sẽ được bảo vệ bằng cơ chế minh bạch nhất với sự quản lý, giám sát bởi nhiều bên gồm công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Trần Thanh Tân - Phó chủ tịch Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), tham gia quỹ hưu trí tự nguyện sẽ giúp người lao động khi về hưu có thể duy trì mức sống ổn định sau khi nguồn thu nhập bị giảm sút so với giai đoạn làm việc. Khoản này sẽ bổ sung vào mức trợ cấp của Bảo hiểm xã hội vẫn còn đang hạn chế.
Hiện tại, mức chi trả lương hưu từ quỹ Bảo hiểm xã hội chỉ tương đương 45% thu nhập bình quân trong 5 năm làm việc gần nhất trước thời điểm nghỉ hưu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, người lao động cần mức thu nhập hưu trí bằng 70-75% so với thu nhập bình quân 5 năm gần nhất trước khi nghỉ hưu, để tận hưởng tuổi hưu an nhàn. Vì vậy, quỹ hưu trí tự nguyện được xem như một trong những giải pháp bù đắp mức chênh lệch nói trên dành cho người lao động.
Minh hoạ phần bù đắp của hưu trí tự nguyện. Nguồn: DCVFM
Quỹ hưu trí tự nguyện ra đời rất sớm, xuất hiện đầu tiên tại Mỹ vào năm 1875 bởi American Express. Theo thời gian, các chương trình hưu trí tự nguyện dần trở thành một trong ba trụ cột an sinh xã hội chính yếu của người lao động nhiều quốc gia, bên cạnh lương hưu nhà nước và lương hưu bổ sung.
Tại Mỹ, người dân thường quen với Kế hoạch đóng góp xác định (Defined Contribution Plan). Mỗi người tham gia sẽ lập một tài khoản cá nhân để tự đóng góp hoặc cùng doanh nghiệp đóng góp một khoản tiền nhất định. Sau đó, người tham gia sẽ chọn một số quỹ tương hỗ, cổ phiếu hoặc chứng khoán để đầu tư số tiền đóng góp kể trên. Lợi tức của khoản đầu tư này liên tục được ghi hoặc được trừ vào tài khoản. Đến khi nghỉ hưu, tài khoản trên sẽ được trích dần như một khoản trợ cấp hưu trí.
Ở Đức, có hai chương trình hưu trí tư nhân là Riester Rente và Rürup Rente. Cả hai đều tuân theo chiến lược của chính phủ nước này nhằm giảm lương hưu do nhà nước đảm bảo. Quyền lợi của người tham gia sẽ được thiết kế tùy thuộc vào việc làm, tình hình kinh tế và địa vị của họ.
Theo ông Tân, quỹ hưu trí tự nguyện đang trở thành mô hình được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng rộng rãi, nhằm giảm thiểu sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Tại Việt Nam, mô hình này đã được Chính phủ ban hành quy định pháp lý vào năm 2016. Hiện tại, nhằm khuyến khích và nâng cao sự phát triển của sản phẩm này, Bộ Tài chính áp dụng mức ưu đãi khấu trừ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tối đa một triệu đồng một tháng với người tham gia theo tư cách cá nhân. Với người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí tự nguyện, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp tối đa 3 triệu đồng một nhân viên một tháng.
Có hai cách thức tham gia đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện là cá nhân tự nguyện hoặc cùng doanh nghiệp tham gia đóng góp. Người lao động tham gia quỹ bằng cách mở tài khoản hưu trí cá nhân tại công ty quản lý quỹ và đóng góp số tiền đã đăng ký theo từng kỳ giao dịch. Người lao động tham gia cùng với doanh nghiệp có thể ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hoặc trích tiền lương để đóng góp. Số tiền góp dựa trên nhu cầu tích lũy tuổi già của mỗi cá nhân và trên cơ sở tự nguyện.
Mức thụ hưởng khi về hưu sẽ được chi trả hàng tháng từ tài khoản hưu trí cá nhân như một dạng lương hưu. Việc chi trả kéo dài cho đến khi người lao động nhận lại toàn bộ tổng số tiền đóng góp và lãi đầu tư.
Tất Đạt