Chuyên mục  


Nhiều người Haiti khi đó cảm thấy phấn chấn và hy vọng quân đội Mỹ sẽ chấm dứt giai đoạn bất ổn dưới thời chính quyền quân sự tại đây. "Cả biển người Haiti nhìn vào mắt những binh sĩ Mỹ, không che giấu nổi niềm vui trước sự hiện diện của họ", một nguồn tin khi đó cho biết.

Chiến dịch can thiệp quân sự vào Haiti mang tên "Duy trì Dân chủ" do tổng thống Bill Clinton phát động được các quan chức chính quyền Mỹ đánh giá là một "thành công vang dội" và xuất hiện rất nhiều trên trang nhất các tờ báo năm 1994.

Gần 27 năm sau, chiến dịch quân sự này đã bị nhiều người Mỹ lãng quên, song các chuyên gia nhận định khoảnh khắc này là "bài học lịch sử quan trọng". Bài học đó được nhắc lại sau khi Robert Fatton, giáo sư tại Đại học Virgina, nhận định rằng Mỹ có thể một lần nữa đưa quân vào Haiti sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát.

Chiến dịch "Duy trì Dân chủ" được tiến hành 4 năm sau khi Haiti có tổng thống dân cử đầu tiên. Mùa đông năm 1990 đánh dấu thời khắc lịch sử với Haiti khi Jean-Bertrand Aristide đắc cử tổng thống với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước này, sau một loạt biến động chính trị dưới thời kỳ độc tài của cha con Duvalier.

Sau khi nắm quyền, Aristide cam kết sẽ thay đổi đất nước và thách thức giới tinh hoa của Haiti. Tuy nhiên, niềm hy vọng của Aristide và chính phủ của ông bị dập tắt bởi cuộc đảo chính quân sự do trung tướng Raoul Cedras dẫn đầu vào năm 1991.

Cuộc đảo chính nổ ra sau khi giới tinh hoa dân sự và quân sự Haiti bác bỏ các chính sách mới của Tổng thống Aristide, buộc ông này phải sống lưu vong khi mới chỉ nắm quyền được 7 tháng.

556318717667a-Haiti-9009-1625715322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G9y40_59cfA4h_9i2O8zEg

Một binh sĩ Mỹ (trái) và Haiti dỡ đạn từ thùng xe tải năm 1994. Ảnh: VCG.

Chính quyền quân sự Haiti được thành lập sau cuộc đảo chính bị tổng thống Clinton cáo buộc có các hoạt động "khủng bố, hãm hiếp dân thường" và "sát hại khoảng 5.000 người ủng hộ Aristide" trong ba năm cầm quyền.

Nhóm nghị sĩ da màu tại quốc hội Mỹ hối thúc Clinton can thiệp vào Haiti, song ông tỏ ra thận trọng trước việc này. Trước đó chưa đầy một năm, Mỹ đã can thiệp quân sự vào Somaila và 18 binh sĩ nước này thiệt mạng trong một chiến dịch gìn giữ hòa bình.

Tuy nhiên, tháng 4/1994, một nhóm vũ trang Haiti sát hại ít nhất 15 người ủng hộ Aristide. Truyền thông Mỹ khi đó đưa tin "nhiều nạn nhân bị tra tấn và bị bắt nằm dưới cống rãnh trước khi bị bắn chết".

Đây được coi là sự việc "giọt nước tràn ly" khiến tổng thống Clinton quyết định can thiệp quân sự vào Haiti. Trong bài phát biểu trên đài phát thanh ngày 17/9/1994, Clinton nói về lợi ích của Mỹ trong việc giúp "khôi phục chính phủ dân chủ ở Haiti". Các nỗ lực thay đổi tình hình qua đường ngoại giao khi đó đều thất bại.

"Các lãnh đạo chính quyền quân sự Haiti từ chối mọi nỗ lực của chúng tôi và chính phủ của họ tiếp tục giết người, hãm hiếp và làm tổn thương dân chúng. Tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ", Clinton nói. "Giờ là lúc chúng ta phải hành động".

Clinton khi đó cho biết đã cử phái đoàn gồm cựu tổng thống Carter, đại tướng Colin Powell và thượng nghị sĩ Sam Nunn tới Haiti trong nỗ lực cuối cùng nhằm "thúc đẩy chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự".

Tuy nhiên, các tướng Haiti không tin Mỹ sẽ mở chiến dịch can thiệp quân sự vào nước này, giáo sư sử học tại Đại học Virgina Robert Fatton, một người gốc Haiti, cho biết. Fatton nói rằng một thành viên trong ban lãnh đạo Haiti khi đó là đặc tình của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nên họ không tin Mỹ sẽ đổ quân vào Haiti.

Emmanuel Constant, chỉ huy một đội hành quyết ở Haiti, tham gia truy lùng những người ủng hộ Aristide sau cuộc đảo chính. Giới chức Mỹ sau đó xác nhận Constant thuộc biên chế của CIA sau vụ đảo chính năm 1991.

"Họ cho rằng họ bất khả xâm phạm và Clinton đang chơi trò chính trị. Họ tin rằng mình có thể nắm quyền và mọi việc có thể được giải quyết mà không cần để Aristide quay lại", Fatton nói. "Dù gì họ cũng thuộc biên chế của CIA".

Khi lãnh đạo chính quyền quân sự Haiti khước từ mọi nỗ lực đàm phán qua kênh ngoại giao, Clinton ra lệnh can thiệp quân sự, Fatton cho biết. "Colin Powell khi đó quay sang lãnh đạo chính quyền quân sự Haiti và nói 'quân đội Mỹ đang tới, máy bay đã cất cánh'".

556318717667c-Haiti-2152-1625715322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wJP65Rur9L_y8U0M9Ejq4A

Lính Mỹ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti năm 1994. Ảnh: Corbis/VGC.

Ngày 19/9/1994, quân đội Mỹ đổ bộ Haiti với 25.000 binh sĩ thuộc tất cả quân chủng. Ngay lập tức, quân đội Haiti chùn bước và chấp nhận trao trả quyền lực. Lực lượng Mỹ đưa Aristide về nước và khôi phục chức tổng thống cho ông.

James Dobbins, khi đó là đặc phái viên Mỹ phụ trách Haiti, đi cùng máy bay với Aristide khi ông về nước nắm quyền. "Nhìn thấy dân chúng vui mừng chào đón ông ấy tại sân bay, sau đó tới Phủ Tổng thống, nơi Aristide phát biểu, đó là điều khá ấn tượng", Dobbins nói.

Chiến dịch can thiệp của Mỹ thành công trong hai mục tiêu đầu tiên là loại bỏ chính quyền quân sự Haiti, khôi phục quyền lực cho Aristide. Tuy nhiên, mục tiêu thứ ba là đưa Haiti "thành một nền dân chủ" phức tạp hơn rất nhiều.

"Hành động can thiệp vào Haiti mang lại thành công ngắn ngủi", Dobbins nói. "Chiến dịch đạt được mọi mục tiêu trong thời gian rất ngắn và không có thương vong, song nó không thành công. Haiti là minh chứng cho thấy không thể thay đổi một xã hội trong một sớm một chiều".

10 năm sau đó, Mỹ lại dẫn đầu cuộc can thiệp quốc tế mới vào Haiti sau khi chính phủ của Tổng thống Aristide thêm lần nữa bị lật đổ.

"Nhìn lại chiến dịch, bạn có thể nói rằng đó là thất bại lớn. Haiti không thay đổi được gì, chẳng dân chủ hóa thêm. Tình hình bây giờ thậm chí còn thảm khốc hơn giữa những năm 1990", Fatton nói và nhận định sự kiện Mỹ đổ quân lên Haiti năm 1994 là "khoảnh khắc hưng phấn kết thúc trong thảm họa".

Fatton cho rằng chiến dịch can thiệp của Mỹ vào Haiti năm 1994 là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề dai dẳng ở nước này. Việc Mỹ ủng hộ Aristide quay lại nắm quyền gắn liền với việc ông ký thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) với nhiều điều khoản ràng.

Theo những thỏa thuận này, Haiti phải mở cửa thị trường và kết quả là nước này phải nhập khẩu phần lớn lương thực. Dù đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và bị phong tỏa tài sản trong thời kỳ chính quyền quân sự nắm quyền, giới tinh hoa Haiti vẫn duy trì nhiều quyền lực kinh tế sau khi Aristide trở lại. Các chương trình cải cách và tiến bộ của Aristide thất bại.

556318717667d-Haiti-2779-1625715322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3scyOvdMNJZ0FxWkoyd_pA

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra tại thủ đô Port-au-Prince của Hait tháng 4/2004. Ảnh: KairosPhotos/Paul Jeffrey.

"Sau khi Mỹ can thiệp, Haiti trở thành quốc gia phụ thuộc vào các tổ chức tài chính quốc tế về ngân sách lẫn các khoản tài trợ. Haiti đã và sẽ còn phụ thuộc vào những gì cộng đồng quốc tế cung cấp", Fatton nói.

Dobbins cho rằng Mỹ có thể đã rút được bài học từ chiến dịch Duy trì Dân chủ tại Haiti. "Bài học chính mà chúng tôi rút ra từ Haiti là những hạn chế của các hình thức can thiệp quân sự , đồng thời hiểu rằng những thay đổi trước mắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phần còn lại sẽ mất rất nhiều thời gian", Dobbins nói.

Fatoon nói Mỹ tuyên bố chiến dịch Duy trì Dân chủ tại Haiti thành công vì không người Mỹ nào thiệt mạng, nhưng với người Haiti thì không. Haiti tới nay vẫn là quốc gia nghèo nhất Tây Bán cầu.

"Nhiều người Mỹ đã quá mệt mỏi với Haiti và không còn muốn nhớ đến nó", Fatton nói. "Người dân Haiti vẫn nhớ, nhưng ở nước ngoài thì sao? Chẳng ai còn chú ý nữa".

Nguyễn Tiến (Theo Time)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020