Đề nghị các quyền lợi khi là nhân viên mới có thể mạo hiểm, vì bạn không có nhiều năm kinh nghiệm, danh tiếng hay mối quan hệ tốt đẹp để làm lợi thế. Nhưng đề nghị những gì bản thân muốn và cần một cách hợp lý cũng là cách thông minh khi bắt đầu một công việc mới.
Ngoài ra, nếu không bắt đầu bằng cách sớm đưa ra những đề nghị thẳng thắn, trung thực, bạn có thể gặp khó trong việc đưa ra đề nghị như vậy về sau. Trong bất kỳ trường hợp nào, sau đây là 4 chiến lược có thể tham khảo.
Áp dụng "tỷ lệ kỳ diệu"
Theo nhà nghiên cứu các mối quan hệ John Gottman, các mối quan hệ lành mạnh và ổn định có "tỷ lệ kỳ diệu" là 5-1. Nghĩa là, một cảnh giác hoặc tương tác tiêu cực phải cần đến sự bù đắp của 5 cảm giác hoặc tương tác tích cực.
Thay vì dành thời gian suy ngẫm liệu có nên nhờ ai đó làm điều gì cho bạn khi chưa hiểu rõ về họ hay không, hãy sử dụng thời gian đó làm tăng tương tác tích cực với họ. Sau đây là ví dụ về những hành động bạn có thể thực hiện để phát triển cảm giác hoặc tương tác tích cực đó:
- Gửi họ bài báo mà bạn nghĩ họ có thể quan tâm.
- Vào thứ sáu, hãy hỏi xem họ có lên kế hoạch gì cho cuối tuần (đồng thời cũng chia sẻ kế hoạch của bạn).
- Cài đặt tên và/hoặc tên công ty của họ trong Google Alert và cho họ biết khi họ đang được bàn luận trên các phương tiện truyền thông.
- Mời họ tham gia một sự kiện bạn đang tổ chức hoặc tham dự.
- Cám ơn họ vì điều gì đó họ làm mà bạn đánh giá cao và chia sẻ tác động của việc đó.
Sau đó, đưa ra đề nghị của bạn. Bạn sẽ đạt được điều đó trong bối cảnh tương tác tích cực, chứ không phải như kiểu kiếm lợi ích từ mối quan hệ.
Xây dựng những tương tác tích cực sẽ giúp việc đưa ra những đề nghị thuận lợi hơn. Ảnh: Pixabay
Đưa ra đề nghị thay vì đòi hỏi
Đòi hỏi là điều mà người nghe buộc phải đồng ý, trong khi đề nghị là điều mà họ có thể đồng ý hoặc không, hoặc đưa ra đề nghị ngược lại. Điều này tạo không gian cho sự thảo luận, linh hoạt và thỏa hiệp. Nó cũng thể hiện sự cân nhắc đối với nhu cầu, giá trị và sở thích của người khác.
Ví dụ, bạn có thể nói: "Tôi muốn xin phép nghỉ bốn ngày vào cuối tuần trong tháng tới. Tôi có kỳ nghỉ, nhưng tôi muốn đảm bảo thời gian đó phù hợp với lịch trình những đồng nghiệp còn lại trong đội ngũ. Sếp thấy thế nào?"
Hãy trực tiếp, sẵn sàng nêu đề nghị nhiều hơn một lần và có thể kiên trì nếu nhận được câu trả lời là không.
Tìm nguyên nhân bị từ chối
Thông thường sếp ít khi từ chối vì ghét bạn, mà câu trả lời "không" từ họ thường có những trường hợp như sau (đi kèm câu hỏi gợi mở cho bạn tìm hiểu)
- Không, không phải bây giờ. (Khi nào là thời điểm tốt hơn?)
- Không, không phải với khoản tiền đó. (Khoản tiền nào phù hợp?)
- Không, không phải với lý do này. (Bạn quan tâm đến nguyên nhân nào?)
Nếu là nhân viên mới, bạn có thể nhận được những câu trả lời "không" như thế đối với những đề nghị cá nhân. Bạn có thể tưởng tượng rằng điều đó là do sếp hoặc đồng nghiệp nghĩ bạn không đủ khả năng. Nhưng thay vì tự suy diễn, hãy tìm hiểu rõ câu trả lời vì sao là "không". Biết được lý do sẽ giúp bạn đưa ra đề nghị tốt hơn vào lần sau.
Nuôi ảnh hưởng tích cực
Giống như hầu hết cảm xúc, sự tích cực có tính lây lan. Và ai có nhiều khả năng dành thời gian, sức lực, quan tâm và nguồn lực cho bạn hơn? Tất nhiên là người nhận thấy bạn là một nhân viên lạc quan và hy vọng.
Theo nhà tâm lý học Martin Seligman, cảm giác vui sướng, thoải mái và phấn khởi là nền tảng cho một cuộc sống thỏa mãn. Khi tiếp cận người khác với niềm vui rõ rệt (thay vì thất vọng hay tức giận), tất nhiên bạn sẽ được yêu thích hơn.
Khi đưa ra đề nghị với thái độ thoải mái (thay vì cảm giác tuyệt vọng), bạn cũng có nhiều khả năng làm cho đối phương thấy thoải mái hơn. Và khi bạn vui vẻ (thay vì lạnh nhạt), bạn có thể khiến một ngày của người khác trở nên rạng rỡ.
Còn nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm phương hướng trong công việc hoặc cuộc sống, Seligman gợi ý nên viết ra 3 điều thuận lợi mỗi ngày và lý do chúng được suôn sẻ. Ông nhận thấy những người thực hiện việc này trong sáu tháng ít bị trầm cảm, ít lo lắng hơn và thấy hài lòng với cuộc sống hơn.
Thật khó để đưa ra các đề nghị khi mới bắt đầu nhận công việc mới hay trong một mối quan hệ mới. Nhưng bằng cách áp dụng khoa học về điều khiến mối quan hệ trở nên tốt đẹp và kết hợp nó với nghệ thuật kết nối, bạn vẫn có khả năng nhận được những gì mình kỳ vọng.
Phiên An (theo Harvard Business Review)