Chuyên mục  


Hãng tin CNA (Đài Loan) vừa đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và phúc lợi Đài Loan phát hiện mì ăn liền Omachi có chất cấm ethylene oxide (EO) xuất xứ từ Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan chức năng nước này đã phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg EO chưa được cấp phép. Tổng khối lượng bị tiêu hủy là 1.440 kg.

Truyền thông Đài Loan mới đây đưa tin một lô mì ăn liền Omachi có chất cấm ethylene oxide nhập từ Việt Nam (Ảnh: CNA).

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết nắm được thông tin từ báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan. Vị này cho biết, sẽ yêu cầu doanh nghiệp sớm có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Sau khi xác minh, làm rõ sẽ thông tin cụ thể tới báo chí.

Phía đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Masan - nhà sản xuất sản phẩm mì nêu trên - cũng cho biết mới tiếp nhận thông tin và đang tiến hành xác minh nội bộ trước khi có thông tin chính thức.

Vừa qua, xuất hiện một số vụ việc mì gói của Việt Nam bị "tuýt còi" tại các thị trường xuất khẩu. Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) từng cho biết, tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện cảnh báo có liên quan đến sản phẩm của Việt Nam trong năm 2021, các cơ quan quản lý Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc để xác minh thông tin và nguyên nhân thông qua các hoạt động kiểm tra dây chuyền công nghệ và lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng.

Đối tượng bao gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với 3 nhóm chính là sản phẩm được sản xuất trong nước; sản phẩm nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.

Cũng theo Vụ Khoa học và Công nghệ, ethylene oxide hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).

Theo hướng dẫn của FAO, khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng nhất định.

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.

Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Các nhà chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020