Chuyên mục  


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhờ tệp khách hàng lớn đa dạng, cộng thêm các khoản phí trả trước từ các thỏa thuận độc quyền, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của bancassurance cũng bộc lộ một số rủi ro trọng yếu, cần có sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý để sản phẩm này thực sự trở thành một trong những khoản thu nhập ngoài lãi bền vững của ngành ngân hàng.

Tăng trưởng khả quan

Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một trong những ngân hàng thu hút sự chú ý trong mảng bancassurance, khi thành công đàm phán lại với AIA thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài thời hạn thêm 4 năm, thành 19 năm. Việc điều chỉnh này mang về thêm cho VPBank một khoản 5 nghìn tỷ đồng thu nhập đột biến được ghi nhận ngay kỳ báo cáo tài chính đầu tiên trong năm.

Song song đó, VPBank cũng thông qua việc mua/nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần phổ thông do Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES phát hành, qua đó gia tăng tỷ lệ sở hữu tại OPES lên tới 98% vốn điều lệ.

Cùng với hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với AIA và mua lại OPES, thu nhập từ bancassurance của VPBank được dự báo sẽ tăng lên nhiều hơn kể từ năm 2022.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, VPBank ghi nhận thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 4.550 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ; trong đó, dịch vụ kinh doanh bảo hiểm mang về cho VPBank hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, chiếm 33% trong tổng nguồn thu hoạt động dịch vụ của ngân hàng này.

[Hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu kèm sản phẩm]

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận tăng 29,5% trong 6 tháng đầu năm nay, đạt 4.400 tỷ đồng; trong đó, dịch vụ bảo hiểm mang lại khoản thu nhập ngoài lãi lớn đứng thứ hai của Techcombank, đạt 617 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Techcombank, nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng đáng kể trong thời gian qua là nhờ ngân hàng đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng trong việc được đảm bảo an toàn sau đại dịch bằng cách kết hợp các giải pháp sản phẩm toàn diện, nâng cao năng lực bán và số hóa quy trình bán.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập phí ròng đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, phần lớn là phí thu từ bancassurance và dịch vụ thanh toán phi tiền mặt.

Trong số đó, tổng doanh thu bảo hiểm thông qua kênh bancassurance đạt 660 tỷ đồng và đứng thứ 7 trên thị trường. Bancassurance được dự báo vẫn sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của HDBank trong 6 tháng cuối năm và những năm tới.

Nửa đầu năm nay, thu nhập phí ròng của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ghi nhận tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.700 tỷ đồng; trong đó, khoản thu từ phí bancassurance chiếm 54% tổng thu nhập phí.

Năm 2022, mảng dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi ACB đã ký kết hợp đồng bán chéo bảo hiểm độc quyền với Sun Life. Khoản phí trả trước này được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021. Dự kiến, thu nhập phí của ACB sẽ đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021.

Không chỉ riêng các ngân hàng trên, bancassurance được cho là “con gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng trong thời gian qua.

Chẳng hạn, MBBank có nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm cao nhất lên tới hơn 5.000 tỷ đồng trong 6 tháng nhờ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life và Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC); hay VIB đạt 587 tỷ đồng; TPBank đạt 493 tỷ đồng…

Giới chuyên gia nhận định triển vọng gia tăng nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ còn rất tích cực, do nguồn đóng góp chính là mảng kinh doanh bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong năm 2021, kênh phân phối bancassurance chiếm trung bình 37% trong tổng thu nhập phí của các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% vào năm 2025, sau khi một số ngân hàng ký kết hợp đồng với các đối tác bảo hiểm độc quyền.

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng, trong các năm tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng và sự ổn định của lợi nhuận các ngân hàng.

Trong đó, một số ngân hàng có thể có “cú hích” về lợi nhuận trong thời gian tới nếu các kế hoạch hợp tác bảo hiểm được ký kết thành công. Chẳng hạn, HDBank ký đàm phán hợp đồng độc quyền bảo hiểm với đối tác; VIB đang đàm phán lại giá trị hợp đồng bảo hiểm với Prudential; LPB đang đàm phán với các đối tác khi hợp đồng với Dai-ichi Life hết hạn trong tháng 5/2022…

“Sự lạc nhịp” cần phải chấn chỉnh

Trái ngược với bức tranh tươi sáng khi đóng góp ngày càng lớn vào thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng, thì bancassurance lại đang nhận phản hồi không mấy tích cực từ phía người khách hàng.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Nhắc đến bancassurance, anh Nguyễn Huy, ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra không mấy thiện cảm do cách đây hơn một tháng, bản thân anh bất đắc dĩ phải ký một hợp đồng bảo hiểm với phí hơn 20 triệu đồng/năm khi làm thủ tục vay 700 triệu đồng từ việc thế chấp căn hộ.

Dù bản thân đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng nhân viên tín dụng vẫn “gợi ý” mang tính bắt buộc anh Huy phải mua gói bảo hiểm của ngân hàng thì mới được giải ngân.

Trước khi tiến hành thủ tục vay, anh Huy đã liên hệ với một số ngân hàng thương mại khác để tham khảo mặt bằng lãi suất và điều kiện cho vay. Thế nhưng, điểm chung của các ngân hàng vẫn là yêu cầu người vay phải mua gói bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí, có ngân hàng còn “gợi ý” anh mở tài khoản tiết kiệm vài chục triệu, cộng thêm sử dụng thẻ tín dụng để “ủng hộ” ngân hàng thì mới được giải ngân, dù anh đang gặp khó khăn, phải đi vay tiền.

“Bản chất của bảo hiểm nhân thọ không xấu, nhưng đừng để người mua cảm thấy vừa mua vừa ôm “cục tức”, vì gắn vào chỉ tiêu của nhân viên, của ngân hàng... Các ngân hàng cần làm việc chuyên nghiệp hơn để khách hàng thấy việc mua bảo hiểm là tốt cho cuộc sống của chính họ, chứ không phải mua để được vay, phải mua để được giải ngân…” - anh Huy chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện ép khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm không phải là vấn đề mới, nhưng đang tồn tại như một cách đương nhiên trong nhiều ngân hàng, gây phản cảm với khách hàng.

Trong một tọa đàm về bancassurance tổ chức mới đây, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, do đặc thù của kênh bancassurance, khách hàng mua bảo hiểm thường sử dụng dịch vụ của ngân hàng nên có thể chịu ảnh hưởng từ uy tín, áp lực của ngân hàng.

Việc bancassurance phát triển “nóng” thời gian qua đã có tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ hoặc là gây hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm của ngân hàng. Một số nhân viên tín dụng đã “gợi” ý cho khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm khi họ có nhu cầu vay vốn của ngân hàng. Sự biến tướng của “gợi ý” này làm mất đi tính tự nguyện của khách hàng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm...

Để phát triển kênh bancassurance bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 3 bên là ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và người dân, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nghiệp vụ bancassurance, quy định rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách của các bên tham gia.

Vị chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng nên phối hợp sâu sát và chặt chẽ với các đối tác bảo hiểm nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng có đủ năng lực bao gồm kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Qua đó, các nhân viên có thể đưa ra những tư vấn tối ưu và phù hợp nhất với bức tranh tài chính của khách hàng…

Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Hy vọng rằng, với việc thanh kiểm tra nghiêm túc hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng sẽ giúp chấn chỉnh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn của các ngân hàng trong thời gian qua, để bancassurance thực sự là “con gà đẻ trứng vàng,” không đính kèm thêm tiếng phàn nàn, bức bối của khách hàng./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020