Chuyên mục  


Người dân được hướng dẫn cách thức làm thủ tục hành chính theo công nghệ số tại Bộ phận một cửa thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi được kỳ vọng trở thành khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, đồng thời là khu vực đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số.

Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đồng thời đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Trong những năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn nằm trong các nhóm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông.

Với nền tảng này, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong những khâu đột phá cần thực hiện là chuyển đổi số, đồng thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp chiến lược

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nhận thức rõ chuyển đổi số sẽ giúp định hình tổng thể, toàn diện về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, đồng thời là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tỉnh đề ra một trong mười nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

Trên cơ sở Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đối với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đảm bảo phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.

[Từ Chính phủ điện tử tới Chính phủ số: Bảo vệ dữ liệu và bảo mật mạng]

Tỉnh lấy kết quả thực hiện Nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đỗ Hữu Hiền cho biết đối với phát triển chính quyền số, tỉnh có các giải pháp như đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, kết nối internet tốc độ cao và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tạo nền tảng kỹ thuật cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin toàn diện trong mọi lĩnh vực.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, từng bước hình thành kho dữ liệu số sẵn sàng kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên phạm vi toàn tỉnh, tham gia phát triển cổng dữ liệu quốc gia.

Đối với phát triển kinh tế số, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; phát triển ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động và phát triển nội dung số cho thương mại điện tử; phát triển các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến.

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới; đưa thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đầu tư cho chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn.

Cùng với đó, đối với phát triển xã hội số, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định các giải pháp như tổ chức đào tạo ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng số cần thiết cho đông đảo người lao động để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của quá trình chuyển đổi số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Tỉnh cũng phát triển và áp dụng các mô hình giáo dục mới đối với học sinh các cấp học và người dân. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, góp phần nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông...

Vào cuộc đồng bộ

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những thuận lợi căn bản của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số là từ Trung ương đến địa phương đều đã có định hướng, chỉ đạo rõ ràng.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thống nhất các giải pháp, từ đó các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, căn cứ nhiệm vụ được giao, “bóc tách” từng chỉ tiêu cần thực hiện để triển khai phù hợp.

Đơn cử với lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2022, ngành thông tin và truyền thông, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện kế hoạch truyền thông hỗ trợ đưa thông tin về sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Tỉnh tổ chức chức truyền thông trọng điểm cho các sản phẩm có thế mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng số; đẩy mạnh kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, tỉnh tăng cường thông tin quảng bá, giới thiệu về các sàn thương mại điện tử, như sàn Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và sàn Voso.vn (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel).

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn chia sẻ nhận thức vai trò quan trọng của xã hội số trong công cuộc thực nhiệm vụ chính trị về chuyển đổi số, thành phố Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng mô hình cơ quan số, đặt chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có nhận thức cơ bản về chuyển đổi số; có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử biết sử dụng và thực hiện thanh toán trực tuyến các loại phí điện, nước, internet, điện thoại..; có tài khoản dịch vụ công và có kỹ năng về thực hiện tạo nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia và của tỉnh.

Thành phố phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức đi đầu trong chuyển đổi số, từ đó lan tỏa ra cộng đồng và người dân xung quanh.

Vũng Tàu cũng vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách tạo các mã QR code, trang bị máy pos (máy quẹt thẻ, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng), giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; vận động các trung tâm thương mại, các siêu thị triển khai các quầy thanh toán không sử dụng tiền mặt, từng bước xây dựng các tuyến phố thanh toán không sử dụng tiền mặt để tạo hệ sinh thái giúp người dân quen dần với hình thức thanh toán trực tuyến và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Thành phố đề ra mục tiêu hết năm 2022, có 90% khu di tích, danh lam thắng cảnh của thành phố có mã QR Code, 100% siêu thị có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, ít nhất 30% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có website riêng sẵn sàng tham gia sàn thương mại điện tử du lịch của tỉnh và khoảng 30% hộ sản xuất nông nghiệp, các chuỗi cửa hàng bách hóa tự chọn có tài khoản trên sàn thương mại điện tử./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020