Chuyên mục  


Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Patrick Conroy ngày 21/10 thông báo nước này sẽ chi 7 tỷ AUD (4,7 tỷ USD) để mua tên lửa phòng không SM-6 và SM-2 Block IIIC do Mỹ sản xuất, nhưng không nêu số lượng cụ thể. "Chúng tôi đang đối mặt với môi trường địa chiến lược phức tạp nhất kể từ sau Thế chiến II", ông nói.

Bộ trưởng Australia ca ngợi SM-6 và SM-2 Block IIIC là "những tên lửa hàng đầu thế giới", nhấn mạnh chúng sẽ giúp Australia răn đe đối thủ, bảo vệ người dân và lợi ích quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cùng ngày cho biết tên lửa SM-6 sẽ được trang bị cho ba tàu khu trục phòng không lớp Hobart, sau đó là các hộ vệ hạm săn ngầm lớp Hunter đang phát triển.

"Tên lửa SM-6 và SM-2 Block IIIC sẽ giúp hải quân Australia tấn công mục tiêu trên không, trên biển và trên đất liền từ khoảng cách xa, đồng thời cung cấp năng lực phòng thủ trước tên lửa đạn đạo đang lao xuống mục tiêu", ông Marles khẳng định.

Tàu khu trục HMAS Sydney phóng tên lửa SM-6 trong diễn tập hồi tháng 8. Ảnh: Royal Australian Navy

SM-6, còn có tên gọi RIM-174A ERAM, là tên lửa phòng không chuyên đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, đồng thời có thể được sử dụng như vũ khí chống hạm. Mỗi quả đạn SM-6 có giá khoảng 4,3 triệu USD.

Tập đoàn quốc phòng Raytheon từng nâng cấp phần mềm của SM-6 để bổ sung năng lực đối phó các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung, đồng thời phát triển khả năng đánh chặn vũ khí siêu vượt âm. Phó đô đốc Jon Hill, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), hồi năm 2022 nhấn mạnh SM-6 là khí tài duy nhất của nước này có thể chặn đầu đạn siêu vượt âm.

Tàu khu trục HMAS Sydney trở thành chiến hạm đầu tiên của Australia phóng tên lửa SM-6 trong cuộc diễn tập Pacific Dragon 2024 hồi tháng 8.

SM-2 là tên lửa phòng không tầm trung được Mỹ phát triển từ thập niên 1970, trang bị đầu dò radar bán chủ động cùng đầu đạn phá mảnh. Đây là vũ khí đóng vai trò trung tâm trong hệ thống lá chắn Aegis được trang bị cho tàu chiến Mỹ và đồng minh.

SM-2 Block IIIC là dự án nâng cấp sâu được triển khai từ năm 2017 và vẫn trong quá trình phát triển. Phiên bản này được trang bị đầu dò radar chủ động của dòng SM-6, tăng khả năng kháng nhiễu và cải thiện cụm ngòi nổ.

Australia năm ngoái tuyên bố tiến hành cuộc cải tổ quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến II, ưu tiên tăng cường năng lực tập kích chính xác tầm xa và củng cố các căn cứ phía bắc. Động thái diễn ra sau khi nước này công bố đánh giá chiến lược quốc phòng, cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột giữa các cường quốc khu vực.

Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020