Trong buổi tọa đàm chiều nay do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, theo thống kê nửa đầu năm về hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa không phải đóng thuế.
"Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD ra - vào thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách đang không phù hợp", ông Thịnh nhận xét.
Shipper một hãng chuyển phát tại Hà Nội kiểm tra đơn hàng trước khi giao cho khách, cuối tháng 1. Ảnh: Phương Dung
Chuyên gia dẫn chứng thực tế ở Liên minh châu Âu, từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định miễn thuế với những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro hay tại nước Anh, hàng hóa dưới 135 bảng Anh giờ đây phải đóng thuế. Quốc gia cùng khu vực như Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào với mức 7%. Theo ông Thịnh, không kể nhỏ hay lớn, nếu mỗi ngày có 4-5 triệu đơn qua biên giới, con số thất thoát là rất lớn.
Vì thế, chuyên gia cho rằng hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay và phải phù hợp với từng điều kiện, theo đúng thông lệ. Năm 2010 bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng hiện tại với kinh tế số, chỉ cần một giây đã có đầy đủ thông tin nên theo ông Thịnh không phải miễn như trước.
Thứ hai, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và kho dữ liệu. Kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng và đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ để quản lý hoạt động thương mại điện tử cho phù hợp và chặt chẽ.
Việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng và đủ cũng là điều phải thực thi. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có pháp nhân ở Việt Nam nhưng người tiêu dùng vẫn có quyền đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ.
"Kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử sẽ là cơ sở để chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Doanh thu thuế từ thương mại điện tử tăng đều qua các năm, từ 83.000 tỷ (2022), lên 97.000 tỷ (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối UBND các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, thương mại điện tử, với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới, vẫn đặt ra những thách thức mới
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (ngồi giữa) và bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (ngồi bên phải) trong buổi tọa đàm chiều nay. Ảnh: VGP
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế - cho hay Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó đề xuất các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay. Thông qua giải pháp này, tất cả giao dịch thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu, cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.
Xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không. Mặt khác, việc này cũng giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Theo bà Lan Anh, lúc đó, hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Đặc biệt giải pháp này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài quy định về hóa đơn, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng. Cơ quan này đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhỏ lẻ.
"Không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy. Dự thảo luật mới đã đưa quy định trên để hoàn thiện chính sách với hoạt động thương mại điện tử", Vụ trưởng nói.
Tất Đạt