Chuyên mục  


8h sáng ngày đầu năm, hệ thống rèm tự động từ từ mở ra, cho ánh sáng chiếu vào căn hộ trên tầng cao tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Anh Tuấn Minh bước ra khỏi chăn trong khi hệ thống sưởi đã tự động chạy trước đó nâng nhiệt độ phòng lên 27 độ, cao hơn 15 độ so với ngoài trời. Ông chủ nhà bước vào phòng tắm, hệ thống đèn cảm ứng tự bật sáng, bồn cầu tự mở nắp.

Khi anh Minh bước ra phòng khách, các đèn chiếu sáng cũng tự bật theo từng bước chân. Chiếc điện thoại đặt lên đảo bếp tự động sạc. Dàn âm thanh phát những bản nhạc nhẹ khiến chủ nhân khoan khoái. Hệ thống sưởi với lớp khói giả màu cam đỏ bốc lên cho cảm giác ấm áp.

"Nhờ có các món đồ thông minh, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều", anh Lê Tuấn Minh, 30 tuổi, nói.

Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách sang trọng, tối giản. Phần trần được giật cấp ốp hệ gương, tạo cảm giác cho căn nhà cao, rộng hơn. Ảnh: Sendesign

Là người kinh doanh thành công trong nhiều lĩnh vực, anh Minh luôn muốn có một không gian sống thoải mái, tận hưởng nhất. Thay vì mua nhà mới, anh quyết định chọn một dự án chung cư cạnh nơi sinh sống thuở nhỏ, đập đi thiết kế lại toàn bộ.

Căn hộ được mua vào thời điểm dịch nên cả năm không sửa được, song cũng nhờ thế anh có nhiều thời gian để thiết kế. Anh Minh cùng vợ phân vân nhất nên biến căn hộ có 5 phòng ngủ ban đầu thành hai hay ba phòng. "Chúng tôi tính, nhỡ đẻ thêm con sẽ không đủ phòng nhưng rồi quyết định cứ sống thoải mái cho hiện tại đã", anh nói.

Nhờ đó không gian sinh hoạt chung, gồm phòng khách, bếp và phòng ăn thông suốt trên diện tích 100 m2. Hơn 80 m2 còn lại là hai phòng ngủ, sân phơi, ban công và toilet phụ. Điểm thiết kế ấn tượng là phần trần được giật cấp ốp hệ gương, tạo cảm giác cho căn nhà cao, rộng hơn. Sàn nhà được xử lý thành hai phần gạch và gỗ tạo nên sự phá cách giữa các vật liệu phân chia không gian. Quầy đảo được bọc PVD mạ màu đồng nguyên tấm, hình thức tự do tạo cảm giác lạ mắt.

Thiết kế chỉ là một phần tâm huyết của chủ nhà, phần còn lại là đưa công nghệ vào, biến thành một ngôi nhà thông minh.

Nhà có hai cửa ra vào, trong đó cửa sau là thang máy riêng. Vì các cửa đều ở khá xa, nên gia chủ lắp bảng điều khiển ở phòng khách, thông qua màn hình này có thể biết ai đến và mở cửa mà không cần phải ra tận nơi. Các cửa đều có thể mở khóa từ xa qua điện thoại di động. Ví như khi ông bà nội sang trông cháu hoặc tài xế lên nhà lấy tài liệu, anh Minh thường mở cửa từ xa, thay vì đưa chìa khóa riêng. Loại khóa này có khả năng lưu lại lịch sử ra vào và có thể phân quyền, ví dụ như cài một ứng dụng vào điện thoại của người giúp việc để có thể ra vào trong khung giờ nhất định, vào những ngày nhất định, do gia chủ thiết lập.

Những tính năng này đều đã có từ lâu. Khác biệt nhất là ứng dụng trên điện thoại, nếu ai đó bấm chuông, tín hiệu báo về điện thoại và chủ nhà có thể nói chuyện được với khách nhờ hệ thống camera thu hình, thu tiếng. Trường hợp có người giao hàng, thợ đến sửa nhà hay hàng xóm bấm chuông, dù đang ở bất cứ đâu chủ nhà cũng có thể nói chuyện, nếu cần có thể mở cửa cho họ vào nhà từ xa.

Với hệ thống cửa này, gia chủ cũng không bao giờ phải mất thời gian tìm chìa khóa, khách đến có thể vào nhà nghỉ ngơi, dù chủ nhà đi vắng. Trong trường hợp mất điện hay mất kết nối nối Internet, chủ nhà vẫn vào được nhà vì hệ thống chạy bằng pin.

cuoc-song-trong-ngoi-nha-thong-minh-1673927934.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NY4S8uBhjC6yBk7uy3ratg
Cuộc sống trong ngôi nhà thông minh

Video minh họa cách mở cửa tại nhà anh Minh.

Trong nhà, anh Minh lắp hệ thống công tắc điện cơ để chiều vợ và bố mẹ lớn tuổi. Tuy nhiên, trong các công tắc đều có mô-đun thông minh ẩn, cho phép điều khiển luôn trên điện thoại. Từ đó có thể kiểm tra ngôi nhà từ xa và chỉ với một cú chạm sẽ chuyển tất cả thiết bị trong nhà sang trạng thái mong muốn.

"Đang cách nhà khoảng 15 phút, tôi bật điều hòa, nước nóng hay chuyển đổi loại ánh sáng đèn. Nếu đi ra ngoài quên tắt thiết bị điện, tôi chỉ cần mở điện thoại lên là xong", anh nói.

Với niềm yêu thích thiết bị thông minh và an ninh, doanh nhân này cũng ấp ủ làm những căn phòng bí mật sau tủ sách, mở khóa bằng quét võng mạc, vân tay hoặc mã số như giới nhà giàu. Trong nhà mình, anh Minh cũng làm vài ngăn bí mật ở các vị trí khác nhau để cất đồ riêng tư, có giá trị, mà ngay đến vợ anh cũng không biết, hoặc có biết cũng không thể mở.

"Những ngăn tủ của tôi chỉ được mở bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Giả dụ có ai đó chạm vào hoặc cố tình di chuyển các ngăn này cũng phải chùn bước trước hệ thống chuông báo khẩn cấp. Cảm biến cửa nhận biết trạng thái tủ, hồng ngoại sẽ quét di chuyển bất thường và tôi cũng ngay lập tức biết những kẻ đột nhập trên điện thoại", chủ nhà cho hay.

cuoc-song-trong-ngoi-nha-thong-minh-1673931696.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JfSZdVqiwn6HN6-Rroyx-g
Cuộc sống trong ngôi nhà thông minh

Trên tất cả, tiện ích anh Minh và vợ hài lòng nhất là một công tắc tổng như trong các khách sạn hạng sang, ngay đầu giường. Chỉ cần một nút bấm, gia chủ có thể khiến tất cả đèn tắt, đèn ngủ bật, rèm cửa đóng.

"Trước đây lên giường rồi mà chưa tắt điện là hai vợ chồng phải oẳn tù tì xem ai đi tắt. Nay chúng tôi có thể nằm một chỗ, thực hiện tất cả các khâu này trên điện thoại, thậm chí nhanh gọn hơn chỉ bằng một nút bấm", chị Huyền, vợ anh Minh nói.

Tuy nhiên không phải ai cũng thích đồ công nghệ. Cặp vợ chồng từng tranh luận về các loại thiết bị này trong nhà. Ban đầu anh Minh muốn dùng nhiều loại công nghệ cảm biến và tự động hóa hơn. Nhưng vợ anh vốn không thích công nghệ, chỉ thích đồ truyền thống, buộc anh phải tìm giải pháp hài hòa. Đơn cử hệ thống công tắc điện, anh muốn chỉ một nút bấm, còn lại thao tác trên điện thoại. Song chiều vợ, anh làm một hệ thống công tắc và buộc phải chú thích các công tắc đó ứng với đèn, điều hòa vị trí nào.

Nhà thông minh không phức tạp như nhiều người nghĩ, anh Minh chia sẻ. Ban đầu khi nói về cách ra vào nhà, điện nước, rèm cửa đến hệ thống tưới tự động, người giúp việc rất ngạc nhiên và lo không biết thao tác. Song chỉ cần 5 phút để cài đặt ứng dụng mở cửa vào điện thoại cho người giúp việc và hướng dẫn một lần, từ đó họ tự do ra vào nhà dọn dẹp.

"Trước nhà mình ở mặt đất, chị giúp việc toàn đến muộn. Từ ngày có khóa này theo dõi lịch sử ra vào, chị ấy đến đúng giờ và chăm chỉ lắm", chủ nhà nói.

Nhà thông minh (smarthome) được hiểu là ngôi nhà cho phép chủ nhân điều khiển một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà bằng smartphone và giọng nói. Dù ở nhà, cơ quan hay đang đi du lịch, ở trong nước hay nước ngoài, người dùng có thể kiểm soát ngôi nhà thông qua thiết bị kết nối Internet...

Tuy nhiên đôi khi "hiện đại lại dẫn đến hại điện". Anh Minh cho biết rắc rối phổ biến là tín hiệu đôi khi bị chậm. Lỗi này do lắp đặt, vì thế ngay từ đầu phải lắp đặt chuẩn. Đối với anh, điện thoại là vật bất ly thân, quan trọng hơn cả ví tiền. Một số người dùng khác cũng cho biết thiết bị của mình bị lỗi, ví như đèn cảm ứng tắt ngay cả khi đang có người hiện diện.

Riêng chi phí điện năng, chủ nhà cho biết không cao quá so với các thiết bị thông thường, thậm chí tiết kiệm hơn. Trước đây ở nhà mặt đất, gia đình anh dùng từ 3-4 triệu đồng tiền điện, hiện tại ở mức khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, do các thiết bị sẽ hoạt động ở mức tối ưu theo thói quen và nhu cầu từng thời điểm của gia đình.

Kiến trúc sư Đồng Ngọc Đông, đơn vị thiết kế căn hộ này cho biết nhờ nhu cầu sử dụng của chủ nhà thúc đẩy bên thiết kế được nghiên cứu thêm những công nghệ mới, xu hướng mới. Đây là điều mà người làm nghề thiết kế rất thích, bởi nó làm tăng thêm tính tiện nghi cho không gian sống. Smarthome đang là xu hướng trên thế giới. Tại thị trường Việt Nam có rất nhiều hãng cung cấp giải pháp cho smarthome. Báo cáo Vietnam Smarthome Report 2022 cho biết, 2022 là năm của nhà thông minh, xe điện và metaverse (vũ trụ không gian ảo). Trong hơn 10.000 mẫu phỏng vấn, 80% cho biết từng nghe tới khái niệm smarthome, trong đó gần 11% đã sử dụng. Dự báo thị trường smarthome tại Việt Nam sẽ đạt 453,8 triệu USD vào năm 2026.

Tất cả thiết bị thông minh trong nhà anh Minh đầu tư hết 200 triệu đồng, chiếm 5% chi phí sửa căn hộ. Theo gia chủ này, đồ thông minh chỉ là thứ thêm, chứ không phải bắt buộc. Song với 5-10% chi phí sửa nhà, bạn sẽ có cuộc sống sướng hơn, tiện hơn.

"Có những kỳ nghỉ, gia đình đi chơi cả tháng, nhờ hệ thống thiết bị thông minh mà tôi vẫn biết mọi chuyện xảy ra ở nhà. Cảm giác mọi thứ diễn ra trong lòng bàn tay", anh nói.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Phan Dương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020