Chuyên mục  


Sotaro Ito, kĩ sư công nghệ thông tin, 25 tuổi, đang sống trong căn hộ nhỏ 9,46 mét vuông ở quận Koenji của thủ đô Tokyo.

Căn phòng của anh nhìn giống như một văn phòng làm việc trong khối lập phương hơn là nơi ăn chốn nghỉ. Trong phòng, nổi bật nhất là bộ bàn ghế để kê máy tính đã chiếm hết 1/3 diện tích sàn. 

"Never Stop Exploring" - Không ngừng khám phá. Đó là dòng chữ ghi ở tấm bảng ngay phía trên khung cửa sổ.

Ngay sát vách tường có kê mấy chiếc gối để dựa lưng, nhưng chiều dài phòng còn không đủ để... duỗi chân. Ngước nhìn lên, có thể thấy một dây thừng bắt ngang qua - là chỗ để phơi quần áo. Dù vậy, căn hộ lại có bếp cảm ứng. Hơn nữa, nhà tắm và nhà vệ sinh cũng chia làm 2 khu riêng biệt, với bồn rửa mặt tích hợp cảm ứng công nghệ cao.

Căn phòng quả thực rất nhỏ, nhưng được bù đắp bằng trần nhà cao lênh khênh (3,6m). Điều này, cộng với 3 cửa sổ, giúp cho căn phòng thoáng đãng và tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Chiếc thang màu trắng dài 4,5m sẽ đưa anh Ito lên gác xép của mình cao 1,4m, vừa đủ để ngồi thẳng lưng mà không đập đầu vào trần.

Một số căn hộ Ququri

Đây là một căn hộ dạng "Ququri" do công ty Spilytus sáng tạo nên. Họ thành lập năm 2012 và tăng trưởng chóng mặt, doanh thu hàng năm lên tới 3 tỷ yên. Tỷ lệ thuê phòng là 99%.

Đối với mỗi tòa nhà 2 tầng, công ty này có thể thiết kế đến 20 phòng đơn có gác xép với diện tích 9 - 13 mét vuông. Màu sắc chủ đạo luôn là trắng để tăng cảm giác "mở" dù diện tích khiêm tốn.

Ito thuê phòng của mình vào tháng 10/2018 khi mọi thứ chỉ còn trên bản vẽ. Giờ anh đã dọn vào ở ổn định, mỗi tháng trả trọn gói 66.500 yên (gần 14 triệu đồng). Internet miễn phí. Và cũng không phải đóng trước 1 - 4 tháng tiền giữ chân như khi thuê nhà trọ truyền thống, giảm bớt gánh nặng đáng kể cho người mới chuyển đến.

Được biết, nếu muốn thuê một căn nhà tại Tokyo ở vị trí thuận lợi, mỗi tháng bạn có thể mất cả trăm ngàn yên (hơn 20 triệu đồng). Quay lại chàng kĩ sư Ito, ngân sách của anh cho việc thuê trọ chỉ khoảng 60 - 70.000 yên mà thôi (khoảng 12 - 14 triệu đồng).

"Tôi đã xem tận 10 chỗ khác nhau trước khi quyết định tá túc ở Ququri" - Ito cho biết. Anh khẳng định Ququri đáp ứng được hầu hết những gạch đầu dòng yêu cầu của mình.

Trong khi đó, những căn hộ khá mới giữa hai nhà ga Ogikubo và Nakano trên tuyến JR Chuo Line cũng không làm hài lòng anh kĩ sư. Một số căn trông khá tăm tối và bẩn, hoặc cách xe bến tàu điện, nghĩa là phải cuốc bộ mỏi chân. Hơn nữa, nếu thuê những căn này, Ito sẽ phải mất thêm chi phí lắp máy điều hòa và trả tiền điện gia tăng, với mục đích chỉ nhằm "sống sót" qua mùa hè đổ lửa ở Tokyo. "Quả thực tôi đã đau đầu tìm một nơi đáp ứng tối thiểu yêu cầu cần nghỉ ngơi thoải mái, vị trí tốt; và rồi tôi đã biết đến căn hộ này - nơi mình đang ở" - Ito nói.

Ququri là một cái tên mới nổi trong phong trào nhà ở siêu nhỏ và tối giản của Nhật, đặc biệt là ở đô thị lớn như Tokyo. Trước đây đã từng có khách sạn "con nhộng", căn hộ container hay những kí túc xá/ nhà ở chia sẻ không gian... 

Và những kiểu nhà ở nói trên cũng từng bị lên án. Nhiều người cho rằng thế hệ trẻ chỉ cắm đầu làm việc, rồi về sống "chui nhủi" trong một không gian tù túng. Thế nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện.

Trong thời buổi "đất chật người đông", giá nhà ở gây đau đầu thì lẽ dĩ nhiên là người ta đành hướng về những không gian tối giản. Các kiến trúc sư cũng ra sức nghĩ ra những thiết kế mới mẻ để tận dụng một không gian hạn chế, hướng đến khách hàng là những chuyên gia trẻ tuổi hay người mới đi làm. Họ quên đi những không gian rộng rãi "như là mơ", sẵn sàng chấp nhận một căn hộ giá cả phải chăng và nằm lọt trong nội thành. Chưa kể, tối giản là một xu hướng đang lan tỏa ở Nhật, nhất là gần đây còn có sự nổi tiếng của "Nữ thần dọn nhà" Marie Kondo.

Không gian nhỏ đến nỗi 2 người ngồi nói chuyện cũng đã quá chật

Sotaro Ito trong khoảng nửa năm thuê trọ hoàn toàn hài lòng với căn hộ nhỏ bé và cao lênh khênh của mình. "Mọi thứ khá thoải mái. Tôi chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết, và vì căn hộ quá bé nên tất cả đều có thể vươn tay ra mà lấy được hết. Dù vậy, hơi bất tiện một chút khi có bạn đến chơi nhà. Lúc đó, một người phải ngồi dưới sàn trong khi người còn lại đi thẳng lên trên gác".

(Nguồn, ảnh: Japan Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020