Chuyên mục  


Kiến trúc sư Duy Bùi, người sáng lập kiêm giám đốc DB Design Studio cho biết, xu hướng thiết kế phòng tắm hiện nay coi trọng yếu tố gần gũi với thiên nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà ở các resort thường có không gian tắm tiên, để con người như được hòa mình vào đất trời.

Kiến trúc sư nhận xét, trước đây, phòng tắm - toilet thường không được các gia đình coi trọng. Người Việt gọi đây là "công trình phụ" và nhét không gian này vào những "góc chết". Tuy nhiên, trong một ngôi nhà, không gian nào cũng quan trọng. Phòng tắm là nơi gia chủ sử dụng rất nhiều, giúp vệ sinh cũng như thư giãn mỗi ngày. Ở các nước châu Âu, nhiều gia đình đưa phòng tắm ra phía mặt tiền. Đây hoàn toàn có thể trở thành một không gian "sống ảo" cho gia chủ.

IMG-6710-JPG-5693-1608977814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lEgbAxB9jmdDSWyzJ_BAlQ

Phòng tắm với ánh sáng và cây xanh bố trí phù hợp, được kiến trúc sư Duy Bùi thiết kế cho một gia đình ở TP HCM trong chương trình "Phòng tắm trong mơ" do VnExpress và INAX phối hợp tổ chức, hoàn toàn có thể trở thành một không gian "sống ảo" cho gia chủ. Ảnh: Hoàng Anh.

Kiến trúc sư cho rằng, ba yếu tố hàng đầu cần coi trọng trong thiết kế phòng tắm là công năng rõ ràng, ánh sáng đầy đủ và đảm bảo thông thoáng. Công thức chung cho một phòng tắm thường bao gồm ba khu vực: khu tắm, bồn cầu và lavabo. Ba khu vực này nên có sự tách biệt.

Nếu không gian đủ rộng, tốt nhất nên làm khu vực tắm và khu vực bồn cầu có phòng và cửa riêng. Bồn cầu là không gian rất riêng tư và thường có mùi trong khi sử dụng. Nếu có phòng riêng cho bồn cầu, việc trang trí không gian bên ngoài sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, thiết kế cửa riêng từng khu vực có thể giúp 3 người sử dụng phòng tắm cùng lúc. Điều này quan trọng với những gia đình đông người.

Phòng tắm ngày nay cần đặt ở những chỗ thuận tiện để mọi người sinh hoạt dễ dàng, đón được ánh sáng và không khí ngoài trời. Việc đối lưu không khí cho phòng tắm cần lưu tâm.

Nếu phòng tắm nằm ở những vị trí không thể lấy gió tự nhiên, hoặc ở các chung cư, các kiến trúc sư thường thiết kế đưa gió tươi từ bên ngoài vào qua một máy hút, đồng thời dùng quạt hút mùi và không khí từ bên trong ra để tạo sự cân bằng. Không khí bí bách thường khiến chúng ta khó chịu. Ngược lại, đối lưu không khí sẽ tạo sự thoải mái.

Ngoài cấp khí tươi cho phòng tắm, kiến trúc sư Duy Bùi còn có mẹo tạo không khí tươi mát cho phòng tắm bằng cách đặt một lọ tinh dầu trên miệng của thiết bị cấp khí tươi. Nhờ thế, phòng tắm lúc nào cũng có mùi thơm.

Nếu không đón được ánh sáng tự nhiên ngoài trời, ánh sáng cho phòng tắm vẫn cần đảm bảo sự kết nối giữa không gian bên trong và bên ngoài, để có cảm giác gắn kết với thiên nhiên. Cách thiết kế thấy ánh sáng mà không thấy nguồn sáng, tức là nhìn lên thấy ánh sáng mà không thấy đèn ở đâu sẽ giúp ánh sáng phòng tắm trở nên tự nhiên hơn.

Một cách để lấy ánh sáng cho phòng tắm nữa là lắp gạch kính, vách kính xen kẽ vào tường công năng.

IMG-6748-JPG-3009-1608977814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6EV8FRCBnHWufyn6Ex9udg

Toilet của các học sinh trường Hoàng Mai, Gò Vấp, TP HCM được kiến trúc sư Duy Bùi cải tạo trong chương trình "Phòng tắm trong mơ" do VnExpress và INAX phối hợp tổ chức. Anh lấy sáng và gió tự nhiên thông qua giếng trời và các ô thông gió. Ảnh: Hoàng Anh.

Đưa mảng xanh vào ngôi nhà nói chung và phòng tắm nói riêng là một xu hướng đang được nhiều kiến trúc sư cũng như những gia chủ quan tâm đến cái đẹp yêu thích.

"Trước đây, mọi người có xu hướng xây hết đất. Ngày nay, nhiều người bắt đầu hiểu rằng, để tăng giá trị của không gian sống, nên làm nhà vừa đủ với công năng rõ ràng, dành một phần diện tích làm mảng xanh", kiến trúc sư Duy Bùi cho biết.

Để phòng tắm cũng có thể tận hưởng mảng xanh, kiến trúc Duy Bùi gợi ý trồng cây ở bên ngoài và lắp kính cho phòng tắm, nhờ thế ở trong phòng tắm vẫn có thể ngắm nhìn cây xanh bên ngoài. Hoặc trang trí phòng tắm bằng những chậu cây nhỏ, đặt trên lavabo, nắp bình chứa nước của bồn cầu... cũng giúp không gian này xanh mát hơn.

84911370a88d59d3009c-9210-1608977814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SsUdnlQ_I0jMT4rKcYwnGQ

Một thiết kế gắn kết không gian sống với thiên nhiên của kiến trúc sư Duy Bùi. Các không gian chức năng, trong đó có phòng tắm đều có thể nhìn thấy mảng xanh ở khu vực giếng trời. Ảnh: DB Design Studio

Anh cũng lưu ý thiết kế phòng tắm kế cần phù hợp với các đối tượng sử dụng. Ví dụ phòng tắm cho người già cần để ý tay vịn, chuông báo động hay nút khẩn cấp, có thể chỉ đơn giản là một cái dây để rung chuông như ở bệnh viện.

Phòng tắm dành cho người già cũng như trẻ nhỏ cần đặc biệt chú ý lát sàn bằng loại gạch chống trơn trượt. Các thiết bị như sen tắm, vòi nước nóng lạnh nên chọn những loại có thể cài đặt nhiệt độ, ví dụ nếu đặt ở 40 độ C thì nhiệt độ của nước khi chảy ra sẽ cố định ở 40 độ C, dù nhiệt độ và áp lực nước chảy ra từ bình nước nóng như thế nào.

Trẻ từ 10 tuổi có thể dùng chung bồn cầu hay lavabo với người lớn. Với trẻ nhỏ hơn, có thể kê thêm ghế để các bé thoải mái khi sử dụng.

Hoàng Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020