Chuyên mục  


Trang trí nội thất ngày nay vốn không còn xa lạ trong công cuộc cải tạo nhà cửa. Ai cũng mong muốn sống trong không gian sinh hoạt đẹp đẽ, ấm cúng và tiện lợi. Tuy nhiên, việc cải tạo có thực sự đơn giản như bạn nghĩ?

Cải tạo, đổi mới không gian sống, nhà cửa vốn dĩ là điều chẳng dễ dàng gì, bạn sẽ rất dễ rơi vào những sai lầm, khó khăn thậm chí là tốn kém rất nhiều để sửa chữa lại nó. Tuy nhiên, “khó không phải là không có cách”, dưới đây là 4 lỗi thường gặp được các kiến trúc sư chỉ ra khi cải tạo nhà cửa và các mẹo để giúp bạn khắc phục chúng. Tất cả việc bạn cần làm là đọc hết bài viết này và áp dụng nó để giúp công việc cải tạo của bạn được an toàn, hiệu quả.

Sai lầm 1: “Tham lam” quá nhiều thứ cùng một lúc

Sai lầm này thường xảy ra phổ biến ở những chủ căn nhà mới, chuyển đến một không gian mới muốn trang trí mọi thứ từ đầu. Những lúc như thế này, sẽ có rất nhiều ý tưởng xuất hiện và mọi thứ bị xáo trộn, rối tung lên trước khi bạn nhận ra những sai lầm của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi bạn nhận ra sai lầm quá muộn, sự không hài lòng, thất vọng cũng kéo đến, cảm giác ngôi nhà giống như một mớ hỗn độn, bắt đầu lại thì tốn kém, sửa chữa nó thì khó khăn.

Tuy nhiên, may mắn là cách giải quyết nó cũng không khó lắm. Đơn giản là thay vì cố gắng ôm đồm cải tạo nhiều thứ cùng một lúc, bạn có thể tỉnh táo giải quyết từng công trình một. Vì để hoàn thiện một không gian cải tạo tốn rất nhiều công sức và căng thẳng, nên bạn hãy tập trung sức lực vào một khu vực trước để đảm bảo ngôi nhà của bạn luôn gọn gàng, sạch sẽ và quan trọng là ngân sách vẫn không bị thay đổi.

Sai lầm 2: Tự làm (không có kinh nghiệm)

Có một sự thật là cải tạo nhà cửa rất tốn kém. Bên cạnh đó, các mẹo cải tạo không gian sống, mẹo trang trí đẹp giá hời nhan nhản trên các hội nhóm về cải tạo nhà cửa. Dựa vào đó, hiển nhiên hầu hết mọi người sẽ nghiên cứu bắt tay vào tự làm. Tuy nhiên đó chỉ là sự lựa chọn đúng đắn nếu bạn có kỹ năng phù hợp. Nếu bạn chủ yếu chỉ thích rồi bắt chước mà không để ý có phù hợp với không gian nhà mình không thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn khó giải quyết hơn.

Việc sửa chữa sai lầm này tùy thuộc vào kinh nghiệm của bạn. Trước đây bạn đã từng cải thiện không gian của mình chưa? Bạn có tự tin vào khả năng và con mắt thẩm mỹ của mình không? Bạn có kiến thức chuyên môn về lắp đặt điện vào hệ thống ống nước không? Nếu câu trả lời là “không” cho bất kỳ điều nào ở trên, hãy tự giúp mình bằng cách nhờ các chuyên gia.

Sai lầm 3: Chọn ước tính chi phí thấp nhất

Sau khi bạn quyết định nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia thì việc đầu tiên bạn cần phải quan tâm là tham khảo các ước tính từ một số nhà thầu có uy tín. Các báo giá cuối cùng về tổng kinh phí sẽ được đưa ra, bạn sẽ đưa ra lựa chọn một trong số đó và dĩ nhiên mức báo giá thấp nhất chắc chắn khiến bạn lưu tâm. Dù vậy, để có được mức phí thấp đó, có thể bạn sẽ phải đánh đổi bằng việc cắt xén hoặc bỏ lỡ một số dịch vụ quan trọng đáng phải trả thêm chi phí.

Tốt nhất, hãy tham khảo mặt bằng chung khung chi phí cải tạo cho ngôi nhà của bạn, tìm ra con số phổ biến, từ đó bạn có được ước tính nên chọn. Nếu nhiều con số tương tự nhau xuất hiện, đây rất có thể là chi phí thực cho kế hoạch cải tạo của bạn. Cũng từ đây bạn có thể chọn ra nhà thầu để hợp tác cùng, đừng quên quan sát khả năng uy tín trong công việc của họ thông qua các đánh giá review. Cuối cùng, nếu còn đang phân vân giữa hai lựa chọn, thì lúc này bạn nên chú ý đến cảm giác của mình, hãy lựa chọn nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất để đặt niềm tin.

Sai lầm 4: Không lường trước được các rào cản

Nhiều khi không phải công trình nào cũng theo đúng kế hoạch ban đầu, trong quá trình cải tạo sửa chữa chắc chắn không tránh khỏi những việc hay chi phí phát sinh thêm, có thể sẽ kéo đến sự thất bại cho công trình cải tạo của bạn. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đảm bảo rằng bạn đã có sự chuẩn bị cho những bất ngờ xảy đến, có một hoặc hai kế hoạch dự trù.

Bạn có thể giải quyết sai lầm này bằng cách dự trù thêm ngân sách cũng như thời gian của mình ngay từ đầu. Con số “khôn ngoan” bạn nên thêm là khoảng 10-15% trong ngân sách cho những chi phí phát sinh hoặc những chi phí bất ngờ này. Tương tự về mặt thời gian, nhà thầu của bạn vẫn sẽ làm việc theo đúng tiến độ chính thức của công trình, nhưng bạn nên dự trù thêm ít nhất hai tuần để bù cho những xem xét hoặc những sự cố không mong muốn về chậm trễ thời gian có thể xảy ra.

Biên dịch | H.N (Nguồn: Freshome)

XEM THÊM:

  • Cải tạo nhà thuê không cần khoan đục với 7 mẹo đơn giản
  • Cải tạo nhà và 5 lỗi sai “nghiêm trọng” nhất định bạn phải tránh
  • Điểm danh 6 sai lầm khi cải tạo nhà DIY dễ khiến bạn “cạn vốn”

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020