Chuyên mục  


Ngôi nhà vườn được vợ chồng chị Thanh Nhàn vô cùng yêu thích. Không gian gần gũi với thiên nhiên tọa lạc trên núi cổ ở Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội.

  • Chồng tự tay thiết kế nhà vườn kiểu Nhật tặng vợ để kỷ niệm 15 năm bên nhau với chi phí 290 triệu đồng ở Hà Nội

Từ trung tâm Hà Nội về nhà chỉ khoảng 20km, đủ để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng vui thú điền viên, quên đi sự náo nhiệt, tấp nập của phố xá, để lắng lòng lại hòa cùng nhịp sống thật chậm, gắn kết và yêu thương.

Chia sẻ về tổ ấm chốn quê, chị Thanh Nhàn cho biết: "Mảnh đất được nhà mình mua hơn chục năm rồi. Chú ruột chồng mình là nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân đã tìm đến xóm núi này, chọn mua mảnh đất trên đỉnh núi đầu tiên từ năm 2005. Chú trực tiếp là người quy hoạch, xây dựng giai đoạn đầu căn nhà sàn cùng nhà ba gian để gia đình chú sinh sống cố định còn nhà bố mẹ và nhà mình cứ cuối tuần là về.

Tuy nhiên, do các cụ cũng có tuổi nhưng vẫn vướng bận con cái, gia đình mình thì trẻ, còn phải làm việc, các bé học hành nên việc ở cố định không thể tiếp tục, việc cuối tuần về cũng không thể duy trì từ năm 2011 đến 2017 nhà để không, chỉ duy trì một chú quản gia người địa phương trông nom. Sau hơn 5 năm không sử dụng nhà hoang hóa, thủng mục hết mái và sàn, chỉ giữ lại được khung. Ba năm gần đây mình mới bắt đầu cải tạo căn nhà để gia đình trở về những ngày cuối tuần hay tiếp đón bạn bè".

Căn nhà vườn với mái dột, không gian cũ kỹ rêu phong do một thời gian dài không sử dụng đã được chị Thanh Nhàn cùng chồng dành 6 tháng để cải tạo.

Ngôi nhà gạch trần đẹp yên bình giữ đồi núi xanh tươi.

Một góc bình yên khi chị Nhàn đặt bộ bàn ghế nhỏ để ngắm cảnh, hóng gió quanh nhà.

Không gian chốn thôn quê yên bình.

Khi cải tạo, chị Nhàn giữ nguyên cấu trúc chính của căn nhà vì đã gắn bó với gia đình hơn chục năm. Chị chủ yếu sửa sang cửa sổ thật rộng cho khu đọc sách, cải tạo bếp, sửa lại mái nhà do lâu năm rêu phong, đào thêm bể cá Koi trước mỗi căn nhà để lúc nào cũng có âm thanh róc rách...

Đặc biệt, phòng tắm của nhà ba gian được chị làm lại hoàn toàn với 1 bồn tắm trong nhà, 1 phòng tắm ngoài trời với hoa giấy xanh mướt.

Với mong muốn xây dựng căn nhà ở quê để trải nghiệm cuộc sống xóm núi ngày xưa, vợ chồng chị Thanh Nhàn thiết kế không gian tối đa cho vườn rau, ao cá, khu nướng BBQ ngoài trời, nơi pha trà, đọc sách...

Rau trong vườn, gà trong chuồng, cá đầy ao, quả sai trĩu ngọn... Các bạn nhỏ được nghịch đất làm vườn, bố mẹ được tranh thủ 1 - 2 ngày "về nhà" cùng nhau câu cá trồng rau.

Một góc dịu dàng với hiên nhà lát gạch bát, bộ bàn ghế gỗ lim xưa cũ.

Nước chảy róc rách vui tai.

Hồ cả Koi tạo dấu ấn sinh động cho ngôi nhà vườn.

Cây mít sai quả trong vườn.

Ngôi nhà được cải tạo trong khoảng 6 tháng. Chị Nhàn chia sẻ quá trình vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi khá khó khăn do đường lên là đường làng nhỏ và dốc. "Việc vận chuyển nguyên liệu từ chân núi lên khá vất vả cho đội thợ. Cũng may mắn đội thợ của mình lành nghề, tỉ mẩn nên mọi ý tưởng thiết kế, trang trí đều được hoàn thiện theo đúng mong muốn", chủ nhân của ngôi nhà vườn tâm sự.

Không gian sống gần gũi với thiên nhiên là một trong những điểm nhấn thú vị tạo nên kiến trúc tổng thể hài hòa, ấn tượng. Chị Thanh Nhàn chia sẻ: "Nguyên bản khu nhà nằm trên khu vực núi Sơn Đồng, là nơi có mật độ cây lâu năm (có những cây hàng trăm tuổi) rất cao.

Việc của mình khi tính toán trùng tu vào sử dụng là làm sao tối ưu nhất các không gian sinh hoạt, tiện ích xen kẽ các mảng cây này sao cho không được chặt hạ cây. Khi xung quanh nhà phủ xanh đã rất lớn thì trong nhà cần có độ thở, mình chỉ cần thật tối giản đồ đạc, ngăn nắp, gọn gàng thì không cần tạo thêm các mảng xanh bên trong nhà. Vì mở cửa sổ hay đánh mắt ra hiên nhà đã thu trọn vẻ xanh tươi của vườn tược trong tầm mắt".

Không gian bên trong được thiết kế mở tối đa với những khung cửa rộng.

Bình sen đẹp dịu dàng.

Khu vực tắm ngoài trời.

Không gian bên trong nhà với bồn tắm bằng xi măng.

Chị Thanh Nhàn, chủ nhân của căn nhà vườn bình yên.

Cuộc sống thêm những niềm vui khi cuối tuần được trút bỏ bộn bề để về nơi yên bình.

Trong việc bố trí các khoảng xanh, chị Nhàn đặc biệt ưu tiên phần kết nối không gian bên trong với vườn và cảnh quan bên ngoài. Chính vì vậy, căn nhà của chị có hai đặc điểm: rất nhiều cửa sổ và cửa sổ mở kịch tường để tối ưu tương tác với thiên nhiên.

Cửa sổ đều có 3 lớp: nan sắt hoặc suốt gỗ chia ô rộng, sử dụng lưới chống muỗi loại kéo ra kéo vào được, cánh cửa sổ là kính bo viền khung gỗ trượt hoặc mở ra vào.Vì khi cần thoáng chỉ cần mở lớp cửa kính là đón đầy gió vào nhà. Vẫn có lớp chắn muỗi vì nhà ở gần thiên nhiên sẽ có nhiều côn trùng.

Những ngày mùa đông lạnh giá, chỉ cần kéo lớp cửa kính là đủ ấm hoặc sử dụng điều hòa vào mùa hè nếu cần. Song nan gỗ chính là để tạo sự an toàn cho mọi người khi các phòng trên cao vui quá nghịch cũng không lo ngã.

"Hồi bé, mình hay gác chân thò ra cửa đọc sách gió rất mát thổi vào chân, nên có song gỗ thi thoảng thích thò chân ra nghịch lúc mưa hay gió to rất thích", chủ nhân của ngôi nhà nhớ lại.

Không gian nghỉ ngơi.

Một góc lãng mạn ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài.

Cuộc sống gói ghém những bình yên.

Căn nhà vườn trên đỉnh núi Sơn Đồng của gia đình chị Nhàn như một chốn để nghỉ ngơi những ngày cuối tuần hay tiếp đón bạn bè cùng chung lý tưởng sống xanh và yêu thiên nhiên. Mỗi khi rảnh rỗi, gia đình chị Thanh Nhàn lại cùng nhau trở về, cùng nhau buông bỏ hết cơm áo gạo tiền vài ngày, bước thong thả trên con đường xóm núi quanh co, chân đất trồng rau, câu cá, sửa cái nọ, làm cái kia, dạy con những trò chơi ngày xưa của bố mẹ, đơn giản quê thật quê thế thôi nhưng gắn kết tổ ấm vô cùng.

Hình ảnh: Ngọc Toàn, Huy Lee, Kiên Trần, Vũ Thanh Dung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020