Chuyên mục  


Chiều 2/4, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn (bụi siêu nhỏ PM 2.5) xếp thứ hai Đông Nam Á là chưa chính xác. Bởi đây là báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, nhưng chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc bốn quốc gia ở Đông Nam Á. "Chưa có đầy đủ số liệu ở 11 nước Đông Nam Á nên không đủ cơ sở để đưa ra kết luận như trên", ông nói.

Ông Nhân cho biết, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội thường tập trung vào mùa đông và mùa xuân (tháng 12 đến tháng 3 năm sau). Theo kết quả từ trạm quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường, 10 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, số liệu từ Đại sứ quán Mỹ, có việc hàm lượng bụi mịn đã vượt quy chuẩn cho phép trong một số ngày.

Thừa nhận, việc ô nhiễm bụi mịn vượt ngưỡng cho phép mang tính cục bộ ở Hà Nội "là có thật", Thứ trưởng Nhân giải thích nguyên nhân do tập trung cao mật độ giao thông, công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, người dân đốt rác thải. Các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Minh Khai... mật độ giao thông dày đặc nên chỉ số ô nhiễm cao.

Ông Võ Tuấn Nhân. Ảnh: VT. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp cùng Hà Nội có nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở thủ đô. Thành phố sẽ xây dựng thêm 80 trạm quan trắc phủ hết địa bàn để có cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm chi tiết, chính xác.

Nêu ra hàng loạt giải pháp, ông Nhân nói Bộ đã làm việc với Hà Nội để quyết tâm di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi thành phố. Thủ tướng đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô nhằm hạn chế tối đa mức độ xả thải của phương tiện giao thông. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo che chắn kỹ, giảm thiểu bụi từ các công trình xây dựng. 

Khói dày đặc bao phủ một góc phía tây Hà Nội do người dân ở tuyến đường cửa ngõ vào thủ đô đốt rơm rạ. Ảnh: Ngọc Thành.

Tháng 3/2019, Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Theo đó, so với năm 2017, chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện, lượng PM2.5 giảm từ 45,8 µg/m3 xuống 40,8µg/m3, nhưng vẫn đứng thứ hai danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á (sau Jakarta) và thứ 12 danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. TP HCM đứng thứ 15 danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.

Với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 trung bình 32,9 µg/m3, Việt Nam nằm gần cuối nhóm "quốc gia có chất lượng không khí trung bình" trên thế giới, cách nhóm "gây nguy hiểm cho người nhạy cảm" một nước.

Theo WHO, mức PM2.5 lý tưởng nhất trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, 12,1-35,4 là trung bình, 35,5-55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm, 55,5-150,4 là nguy hiểm, 150,5-250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại.

Bụi siêu vi PM2.5 là các hạt trong không khí có kích thước từ 2,5 micron trở xuống. PM2.5 gây nguy hiểm đến sức khỏe con người vì có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020