Thực tế cho thấy, dù ngôi nhà của bạn được dọn dẹp sạch sẽ đến đâu, lau nhà, hút bụi kỹ đến thế nào vẫn luôn tồn tại những chất có hại cho sức khỏe, trong đó phổ biến có thể kể đến như benzene, trichloroethylene, ammonia... Những chất này có thể đến từ đồ dùng nội thất như giường, sofa, sơn tường, các sản phẩm nhựa, chất tẩy rửa làm sạch nhà hay từ không khí, môi trường bên ngoài...
Để giúp cơ thể khỏe mạnh, để hạn chế những chất độc hại cho cơ thể, bạn có thể chọn giải pháp dễ dàng và hiệu quả đó chính là trồng nhiều loại cây cảnh có tác dụng thanh lọc không khí nhờ việc hấp thụ các khí có hại.
1. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ là loại cây nên trồng trong phòng ngủ bởi sản sinh ra khí O2 thanh sạch vào ban đêm, giúp mọi người có giấc ngủ ngon hơn với bầu không khí trong lành. Đồng thời bề mặt lá có thể hút được nhiều bụi bẩn. Loại cây này dễ trồng, dễ sống trong môi trường thiếu sáng hoặc thiếu nước. Cây có tác dụng tích cực trong việc loại bỏ chất formaldehyde, benzene, trichloroethylene ở nhà hay văn phòng.
2. Cây lô hội
Cây lô hội hay còn gọi là cây nha đam, khá dễ trồng, đẻ nhiều cây con khi được chăm sóc tốt. Cây có thể bố trí ở nhiều khu vực như phòng khách, phòng ăn, phòng tắm với chức năng lọc không khí. Bạn nên thường xuyên lau bề mặt lá nha đam để tăng hiệu quả lọc bụi. Cây hấp thụ tốt khí cacbonic, nhả oxy về đêm nên có thể đặt gần giường ngủ hay trên bàn làm việc.
3. Cây trầu bà
Cây trầu bà có thể sống trong môi trường thủy sinh hoặc ở điều kiện đất khô cằn, thiếu sáng. Cây đẻ nhánh nhanh và xanh tươi giúp tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. Bên cạnh đó, cây có tác dụng hút bụi, lọc không khí hiệu quả. Vì thế, cây thường được đặt ở nơi nấu nướng, bàn ăn, cạnh cửa sổ hay trên tường lối vào nhà.
4. Cây lan Ý
Cây lan Ý hay còn gọi là cây buồm trắng, có tác dụng khử cồn, acetone và formaldehyde. Cây thường làm sạch không khí bằng hai cách là hấp thụ chất ô nhiễm vào lá rồi chuyển xuống rễ, rễ tổng hợp chất ô nhiễm làm thức ăn cho cây hoặc cây nhả hơi nước như chiếc bơm hút không khí bẩn xuống rễ.
5. Cây dây nhện
Cây dây nhện luôn có khả năng quang hợp dưới ánh sáng tối thiểu. Cây hấp thụ nhanh các chất độc từ không khí như carbon monoxide, formaldehyde, xăng và Styrene. Cây còn có thể chuyển hóa khí gây ung thư trong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid. Một chậu cây dây nhện nhỏ xinh vừa có thể tạo điểm nhấn duyên dáng cho không gian mà chúng hiện diện vừa có thể làm sạch không khí trong căn phòng rộng khoảng 200m2.
6. Cây thường xuân
Cây thường xuân thường được trồng trong chậu để trang trí trên các kệ nhỏ phòng tắm, phòng khách hay ban công. Cây được các nhà khoa học NASA đưa vào danh sách những "bộ máy" lọc không khí trong nhà tốt nhất. Cây có khả năng hấp thụ các chất có hại bay lơ lửng trong không khí như benzen, formaldehyde, xylene từ không khí trong nhà và chuyển hóa chúng thành chất vô hại. Ngoài ra, cây còn lọc bỏ một số chất gây dị ứng cho trẻ và người mẫn cảm. Trong vòng 6 giờ, cây thường xuân có thể loại bỏ 58% phân tử nấm mốc và 60% chất độc trong không khí.
7. Cây cọ cảnh
Cây cọ cảnh thường được trồng ở ban công hay phòng tắm có diện tích rộng. Cây ưa bóng mát, ẩm, được xem là "bộ máy" lọc amoniac khá hiệu quả. Cọ cảnh là loài cây dễ trồng, ít cần chăm sóc tỉ mỉ nhưng có thể trở thành điểm nhấn duyên dáng cho không gian mà chúng hiện diện.