Chuyên mục  


Thiết kế tái sử dụng cho phép các sản phẩm, hệ thống lắp đặt hoặc thậm chí toàn bộ tòa nhà sẽ được giải cấu trúc trong tương lai. Các thành phần của chúng sẽ được sử dụng lại để giảm thiểu chất thải và khí thải carbon ra môi trường. Thay vì coi các tòa nhà hay nội thất là sản phẩm cuối cùng, chúng ta nên nghĩ về tương lai có thể tái sử dụng chúng cho các dự án về sau. Dưới đây là 6 dự án đã được các KTS hoàn thành và tích hợp các nguyên tắc của thiết kế tái sử dụng nổi bật trên thế giới.

People’s Pavilion | Overtreders W và Bureau SLA

Văn phòng kiến trúc tại Hà Lan có tên Overtreders W là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực kiến ​​trúc thay thế xoay vòng, văn phòng này đã hoàn thành một số tòa nhà nổi bật với các thành phần có thể tái sử dụng. Điển hình là sự hợp tác với văn phòng Bureau SLA để tạo ra People’s Pavilion có thể tái sử dụng cho Tuần lễ Thiết kế Hà Lan vào năm 2017.

Công trình này hoàn toàn được xây dựng từ vật liệu đi mượn và đã được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu khi tòa nhà tạm thời bị tháo dỡ sau lễ hội. KTS Peter cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc thiết kế xoay vòng đến mức tối đa. Hầu hết vật liệu xây dựng đều được mượn từ những người dân thân thiện”.

Gian hàng trên được lợp từ những tấm ván lợp bằng nhựa tái chế. Những tấm ván lợp Pretty Plastic sau đó đã được phát hành dưới dạng sản phẩm thương mại bởi Overtreders W và Bureau SLA, được các nhà thiết kế tuyên bố là “vật liệu ốp tái chế 100% đầu tiên trên thế giới”.

Brasserie 2050 | Overtreders W

Văn phòng kiến trúc Overtreders W đã áp dụng cách tiếp cận kiến trúc tương tự vào năm 2018 khi thiết kế một nhà kho có thể tái sử dụng để làm nhà hàng không chất thải tại Lễ hội Lowlands hàng năm.

Được xây dựng bằng vật liệu mượn hoặc thuê, cấu trúc của nhà kho được làm bằng giá đỡ pallet tiêu chuẩn. Các bao tải ngũ cốc xếp chồng lên nhau trên các tấm pallet xung quanh giúp gia tăng trọng lượng để ngăn tòa nhà bị gió bão thổi bay, cùng với đó là toàn bộ hệ thống bàn được làm từ nhựa tái chế.

Đội ngũ KTS cho biết: “Mọi thứ cho dự án này đều có thể tái sử dụng và không có thứ gì bị vứt bỏ”.

Dự án nhằm khuyến khích phát triển nguồn thực phẩm bền vững, với một số sản phẩm phục vụ trong nhà hàng được trồng ngay trong trang trại bên trong tòa nhà.

Đài quan sát Tij | RAU Architects và Ro & Ad Architects

Đài quan sát có hình dạng giống như một quả trứng này được các văn phòng kiến trúc tại Hà Lan thiết kế để có thể tháo rời và xây dựng lại ở nơi khác. Công trình bao gồm một khung gỗ được bọc trong lớp tranh, xây dựng bằng hệ thống vận chuyển từ nhà máy đến nhà máy, với 402 bộ phận được gia công chính xác sau đó tiến hành giao và lắp ráp tại chỗ.

Thomas Rau, người sáng lập văn phòng thiết kế RAU cho biết: “Bằng cách xây dựng mọi thứ theo cách có thể được tách rời mà không làm mất đi bất kỳ giá trị nào của nó, chúng tôi đã giảm tải được tác động tối thiểu lên hệ sinh thái xung quanh”. 

Đài quan sát hiện đang thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Scheelhoek ở Stellendam, Hà Lan.

Ngân hàng Triodos | RAU Architects và Ex Interiors

Được mô tả là “tòa nhà văn phòng có quy mô lớn đầu tiên được làm 100% bằng gỗ và hoàn toàn có thể tái sử dụng được”, đây là trụ sở chính của Ngân hàng Triodos nằm trong khu rừng gần Zeist tại Hà Lan.

Tòa nhà do văn phòng kiến trúc RAU cùng Ex Interiors thiết kế và xây dựng được xem như một “ngân hàng vật liệu” với dữ liệu về tất cả các vật liệu được sử dụng trong dự án đều được đảm bảo sử dụng nền tảng Madaster. 

Văn phòng kiến trúc cho biết: “RAU Architects coi tòa nhà với thiết kế tái sử dụng xoay vòng này là sự kết hợp tạm thời của các sản phẩm, thành phần và vật liệu. Kết cấu của tòa nhà 5 tầng hoàn toàn bằng gỗ, chỉ có tầng hầm được sử dụng bê tông để chống ngập”. 

Các thành phần làm từ gỗ bao gồm gỗ nhiều lớp và gỗ chưa qua chế biến được nối bằng vít, có nghĩa là chúng có thể được tháo ra và tái sử dụng trong tương lai. Dự án được xem là tòa nhà đầu tiên trên thế giới được thiết kế và xây dựng như một ngân hàng vật liệu. 

KTS tuyên bố rằng giá trị của các vật liệu sẽ được giữ nguyên sau khi giải cấu trúc. Với điều này, giá trị của vật liệu có thể được thanh khoản về mặt kỹ thuật và được vốn hóa về mặt tài chính trong tương lai. 

Gian hàng trưng bày Veston | Note Design Studio

Được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc Note Design, gian hàng triển lãm cho thương hiệu đồ nội thất ngoài trời Vestre này lần đầu tiên được sử dụng tại Hội chợ Nội thất & Ánh sáng Stockholm vào tháng 2 năm 2019.

Bục trưng bày sản phẩm được làm hoàn toàn từ vật liệu thô có thể tái sử dụng bao gồm các bức tường được ốp bằng các tấm ván ép chưa cắt, các cột xây bằng gạch không lên men và sàn được phủ bằng đá vụn. Sau hội chợ, tất cả những vật liệu trên đã được đóng gói để sử dụng tại các cuộc triển lãm khác trong tương lai.

KTS Daniel Heckscher thuộc Note Design cho biết: “Chân đế được làm bằng vật liệu tự nhiên như gỗ, gạch và đá. Mọi thứ đều có thể tái chế và tái sử dụng hoàn toàn, các tấm gỗ có thể tháo rời mà không bị vặn đinh ốc hay dán keo”.

Gian hàng triển lãm Tarkett | Note Design Studio

Một lần nữa, văn phòng thiết kế nổi tiếng tại Thụy Điển đã áp dụng một cách tiếp cận kiến trúc tương tự với đại diện cho thương hiệu sàn Tarkett của họ tại cùng một hội chợ thương mại. Đội ngũ KTS đã khám phá các nguyên tắc của kiến trúc tái chế xoay vòng để có thể áp dụng triệt để cho cả sàn và gian hàng triển lãm.

Gian hàng của Tarkett được tạo thành từ các vật liệu có thể tái sử dụng được giữ cùng với dây đai, chân đế Natural Bond có thể được cấu hình lại để sử dụng liên tục trong tương lai. Các thành phần hình học được chế tạo từ iQ – một sản phẩm sàn vinyl có thể tái chế do Tarkett phát triển.

Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Dezeen)

XEM THÊM:

  • 21 công trình được KTS Kengo Kuma (tái) sử dụng vật liệu theo cách khác thường
  • 16 Giải pháp sử dụng vật liệu tái chế
  • “Zero Waste” trong kiến trúc: Thay đổi nhận thức, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020