Chuyên mục  


Sau cơn bão số 3, trường Tiểu học Hồng Thái ở Yên Bái bị ngập sâu gần 4 m. Bàn ghế, thiết bị dạy học hư hỏng, máy móc và toàn bộ thư viện với khoảng 5.000 cuốn sách các loại chìm trong nước, không thể sử dụng.

Ngoài ra, nhà của hơn 400 trong tổng số 632 học sinh bị ngập, sách vở, đồ dùng học tập của các em cũng trôi theo dòng nước.

"Ít nhất 147 em mất trắng sách vở, quần áo, đồ dùng", thầy hiệu trưởng Vũ Văn Tấn cho biết.

Theo thầy Tấn, trường sẽ đón học sinh trở lại vào ngày 23/9. Điều lo lắng nhất của thầy cô hiện nay là thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học sinh và thiết bị dạy học.

Tuần qua, trường được nhiều tổ chức, cá nhân ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên tặng sách giáo khoa cũ, vở. Các thầy cô đang phân loại sách và thống kê số còn thiếu để tìm mua hoặc xin cho học sinh. Nếu không được, trường sẽ báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để đề nghị các nhà xuất bản cung ứng.

"Ưu tiên trước mắt là sách giáo khoa, các loại sách chuyên đề, tham khảo tính sau. Chúng tôi đã tính đến phương án dùng sách điện tử chiếu trên lớp, hoặc photo một ít để học sinh dùng chung rồi tìm mua bổ sung", thầy Tấn nói.

Toàn bộ sách, tài liệu ở thư viện trường Tiểu học Hồng Thái, Yên Bái, hư hỏng do ngập nước nhiều ngày. Ảnh: Hoa Hướng Dương

Cũng ở Yên Bái, học sinh trường TH-THCS Minh Chuẩn đã đi học từ giữa tuần. Cô Vũ Thu Hương, Hiệu trưởng, cho hay ngay khi lũ rút, trường xác định cần bổ sung lượng lớn sách giáo khoa nên đã tìm mua hơn 100 bộ, song vẫn thiếu một số đầu sách cho lớp 5, 9. Đây là hai khối mới đổi sách nên các cửa hàng không trữ nhiều.

Với những đầu sách còn thiếu, trường đăng ký với các nhà xuất bản chờ in bổ sung. Trước mắt, các thầy cô phải photo cho học sinh dùng tạm.

"Vở, đồ dùng học tập, quần áo thì dễ huy động nhưng sách giáo khoa thì khó vì mỗi trường dùng sách từ 2-3 bộ khác nhau. Nhiều nơi tặng sách nhưng số dùng được không nhiều vì khác loại trường đang dạy", cô Hương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết toàn tỉnh ước tính thiếu 28.700 bộ sách các cấp. Tuần qua, nhiều đoàn hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, khắc phục một phần thiếu thốn của các trường sau bão lũ.

Bà Hằng cũng nhìn nhận cái khó khi tiếp nhận là sách học sinh dùng được chọn từ nhiều bộ, mỗi trường mỗi khác. Vì thế, các trường phải phân công người chọn lọc để đảm bảo đúng loại sách học sinh dùng, số còn lại có thể đưa vào thư viện để lưu trữ, phòng trường hợp cần.

"Trong thời gian chờ mua sắm, các trường phải đảm bảo học sinh có đầy đủ tập vở, viết, còn sách có thể dùng chung. Sách ướt, lấm lem nhẹ có thể phơi để dùng tạm", bà Hằng nói.

Lào Cai, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau bão lũ, các trường học tính toán cần bổ sung 195.000 cuốn sách, từ mầm non đến THPT. Tại huyện Bảo Yên, 44 trong 68 trường học đã tổ chức dạy học trở lại trong điều kiện thiếu sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất còn ngổn ngang.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, cho biết để đảm bảo tiến độ dạy học, huyện chuyển trước sách giáo khoa được hỗ trợ cho các trường bị thiệt hại nặng. Do đó, nhiều em phải xem chung một đầu sách. Để sớm đồng bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, phòng Giáo dục đã trình kế hoạch mua sắm bổ sung khoảng 10 tỷ đồng.

"Tập, viết không thiếu vì có sẵn và dễ mua nhưng sách giáo khoa muốn bổ sung cũng phải chờ nhà xuất bản in thêm. Tinh thần chung là tận dụng những gì đang có, khắc phục khó khăn trước mắt để ổn định việc dạy học", ông Tuân nói.

Sách vở học sinh ở Yên Bái được phơi để tái sử dụng. Ảnh: Báo Yên Bái

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các trường học ở 18 tỉnh, thành phía bắc bị mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa do bão Yagi, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị khoảng 1.260 tỷ đồng.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cả nước hiện có ba bộ sách giáo khoa, do nhiều nhóm tác giả biên soạn. Phần lớn trường học chọn sách từ nhiều bộ.

Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng, để việc học tập không bị gián đoạn, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết qua thống kê sơ bộ, 25 tỉnh khu vực phía Bắc hiện cần bổ sung khoảng 190 đầu sách các loại, từ lớp 1 đến 12. Đơn vị này hiện giữ bản quyền bộ "Cánh diều" và "Kết nối tri thức và cuộc sống".

Ông Tùng cho hay nhà xuất bản đã cho in ngay 10 triệu bản sách giáo khoa, cộng với số sách còn trong kho sẽ được khoảng 18 triệu bản.

"Chi phí in 10 triệu bản sách khoảng dưới 30 tỷ đồng. Sau khi có số liệu chính xác nhu cầu của các địa phương, nếu còn thiếu, nhà xuất bản sẽ in thêm", PGS Tùng nói. Với số sách này, nhà xuất bản sẽ giảm 10% giá bìa.

Ngoài ra, 2.200 bộ sách giáo khoa đã được trao tặng các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (phải) trao hỗ trợ sách giáo khoa cho Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, ngày 14/9. Ảnh:

Phía công ty Cổ phần đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) - đơn vị phát hành bộ sách Cánh Diều, cũng thông báo giảm 50% giá sách giáo khoa cho học sinh địa phương bị ảnh hưởng bão lũ.

Toàn bộ số sách dự trữ trong kho ở nhiều tỉnh, thành - tương đương khoảng 4,5 triệu bản, đã và đang được chuyển về Hà Nội để kịp thời cung ứng cho các tỉnh. Với một số đầu sách dự trữ ít, công ty cho in thêm 500.000 bản, dự kiến xong trong tuần tới.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020