Chuyên mục  


Chiều 7/4, Công an thị xã Đông Triều đang làm việc ông Nguyễn Văn Lân (46 tuổi, người địa phương) về việc đánh đập một số nhân viên của công ty đòi nợ thuê khi họ đến nhà đòi 400 triệu đồng theo ủy quyền của người khác.

Nhóm đòi nợ thuê bị đánh gục tại nhà ông Lân. Ảnh: Facebook.

Theo điều tra ban đầu, năm 2014, ông Lân vay 400 triệu đồng của một người ở thị xã Đông Triều. Không đòi được tiền, người này đã ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê Hưng Thịnh (ở TP.HCM) đòi số tiền trên.

Ngày 6/4, 5 người của Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê Hưng Thịnh đến Công an thị xã Đông Triều đưa giấy giới thiệu và thông báo về việc đòi nợ trước khi đến nhà ông Lân.

Khi vào nhà, 3 người của công ty đòi nợ thuê bị phía chủ nhà, quay clip đăng lên mạng xã hội. Hai người còn lại may mắn chạy thoát.

Trong đoạn video dài hơn 4 phút lan truyền trên mạng, một người đàn ông vừa lăng mạ, vừa đá vào đầu, mặt nhân viên công ty đòi nợ thuê Hưng Thịnh. Khi 3 người này nằm bẹp trên nền nhà xưởng, người đàn ông tìm cách thông báo sự việc cho cơ quan chức năng.

Cuối clip, hai nhân viên công ty đòi nợ thuê nhổm dậy phủi quần áo lập tức bị người đàn ông cầm mã tấu lao đến đá vào mặt và tiếp tục chửi bới.

Nhận định về vụ việc, luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội) nói đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đòi nợ thuê phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được tùy tiện đến nhà "con nợ" để đòi nợ.

Do clip không thể hiện toàn bộ diễn biến sự việc nên ông Hướng cho rằng có 2 tình huống xảy ra. Nếu nhóm người đòi nợ có hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, cưỡng bức, đánh đập hoặc hủy hoại tài sản thì "con nợ" có quyền bắt giữ để giao cho công an.

Trường hợp thứ hai, nếu nhóm đòi nợ thuê không có những hành vi kể trên mà "con nợ" bắt giữ họ để đánh đập thì có dấu hiệu vi phạm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật hoặc Cố ý gây thương tích. Cơ quan điều tra căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập sẽ có hình thức xử lý tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật.

Theo tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giam giữ người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp phạm tội đối với 2 người trở lên có thể phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trường hợp bắt giữ người trái pháp luật mà có hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Còn người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng sử dụng vũ khí, hung khí, vật liệu nổ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm.

Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)

Bài viết thuộc chuyên mục Pháp luật

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020