Thầy Tùng, giáo viên dạy Văn, trường THCS Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, có vợ là chị Nguyễn Thị Hồng đang tham gia chống dịch. Nhà chỉ cách Trạm Y tế xã Hợp Thịnh, nơi chị Hồng công tác, khoảng một km nhưng chị không thể về. Ở nhà vừa ôn thi online cho học sinh lớp 9, thầy Tùng vừa gặt lúa, vừa thay vợ chăm sóc ba con nhỏ.
Hôm 26/5, thầy Tùng viết thư động viên vợ và các chiến sĩ áo trắng đang chống dịch. Lá thư ngắn nhưng chứa đựng tình cảm của người chồng dành cho vợ phải xa con, là sự kính phục, biết ơn các y bác sĩ.
Anh Tùng viết thư động viên các y bác sĩ, dặn vợ 'đừng khóc' và yên tâm vì đã có anh chăm sóc các con. Ảnh: NVCC.
Là giáo viên Văn nên trong thư thầy Tùng không quên nhắc đến hình ảnh đất nước qua những vần thơ nổi tiếng nhằm khơi dậy niềm tự hào, khích lệ tinh thần dân tộc. Trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước là "máu xương của mình. Phải biết gắn bó và san sẻ. Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở". Trong thơ Chế Lan Viên, Tổ quốc ta yêu "như máu thịt. Như mẹ cha ta, như vợ như chồng".
"Nhìn thấy đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng... dài như sông, như suối, như tiếng hát ấy đang trên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh mới thấy: Tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế", thầy Tùng viết.
Thầy Tùng hy vọng trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chiến sĩ áo trắng đọc được và tình cảm chân thành của thầy sẽ làm dịu đi căng thẳng, nguy hiểm mà họ luôn phải đối mặt. "Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly", thầy động viên.
Vợ không nói về công việc ở trạm y tế, nhưng qua học trò cũ là bác sĩ, thầy Tùng biết vợ rất vất vả, đêm nằm nhớ con không ngủ được. "Tôi muốn gửi lời động viên, chia sẻ bằng tất cả tấm lòng đến lực lượng y tế, trong đó có vợ mình. Mong vợ yên tâm vì các con và công việc ở nhà đã có tôi lo", thầy Tùng nói.
Chị Hồng, vợ anh Tùng, hiện làm việc tại Trạm Y tế xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: NVCC.
Hôm sau, thầy Tùng nhận được tin nhắn của vợ, nhắc không nên viết như vậy vì những vất vả chị trải qua chưa là gì so với đồng nghiệp và những người khác. Biết vợ ngại, thầy trêu "đừng tưởng bở" vì bức thư không nhắn riêng cho chị.
Sau khi được đăng lên Facebook, bài viết nhận được nhiều tình cảm yêu mến và được chia sẻ nhiều lần. Thầy Tùng bất ngờ trước sự đón nhận của mọi người và nhận ra hóa ra chỉ một việc làm nhỏ nhưng chạm đến cảm xúc của mọi người sẽ có sức mạnh lan tỏa.
Được nhiều người ca ngợi, thầy Tùng ngại ngùng nói chỉ làm những việc bình thường. Hơn 20 ngày qua, thầy "không lúc nào ngơi tay" khi vợ phải ở lại hẳn trạm. Ngoài 5 buổi sáng các ngày trong tuần dạy online theo lịch của nhà trường, tối hàng ngày, thầy đều dành 1,5 đến 2 tiếng ôn thi miễn phí cho học sinh. Thời điểm này đúng vào vụ gặt nên những lúc không có giờ dạy, thầy thu xếp ra đồng gặt mấy sào ruộng, tuốt lúa và phơi khô.
Hai con lớn của thầy Tùng học lớp 6 và lớp 4 đã có thể tự lập, trong khi con út mới 21 tháng tuổi vẫn còn ăn cháo. Con mới cai sữa mẹ, lại không quen ăn sữa ngoài nên thầy Tùng thường phải xay cháo lấy nước cho ăn. "Mấy hôm đầu vắng mẹ, những đứa trẻ đi ra đi vào ngóng, liên tục giục bố gọi cho mẹ. Tôi phải bảo chúng rằng mẹ đang bận, gọi nhiều sẽ ảnh hưởng công việc và khi nào mẹ có thời gian sẽ chủ động gọi về", thầy Tùng kể.
Hàng ngày, sau khi kết thúc công việc khoảng 22h30-23h, chị Hồng mới có thể gọi về cho chồng con. Những khi ấy, thầy giáo thường để âm lượng nhỏ, đưa điện thoại cho hai con lớn ra ngoài trò chuyện với mẹ. Bé út thấy mẹ sẽ khóc, đòi và sinh ra hờn tủi. Những hôm nào nhớ con, chị Hồng dặn chồng đưa con ra ngoài sân chơi, chị đứng từ xa ngắm chút rồi lại đi.
Từ lúc huyện Hiệp Hòa có ca F0, chị Hồng ở lại trạm không về nhà để đảm bảo an toàn cho người thân. Ảnh: NVCC.
Biết đến lá thư của chồng khi một người hàng xóm chia sẻ lại trên Facebook, chị Hồng chia sẻ: "Cảm xúc đọc được những lời tâm sự của chồng thật khó tả. Nước mắt cứ trực trào ra, vừa mừng lại vừa tủi và nhớ các con. Từ ngày sinh các cháu, đây là lần đầu tiên tôi phải xa con lâu vậy".
Chị Hồng cho biết Bắc Giang là tâm dịch với hơn 2.300 ca Covid-19, bản thân luôn xác định tâm lý phải vào khu cách ly nên đã cai sữa cho con. Ban ngày hầu như các chị không có thời gian rảnh để nghĩ đến chuyện khác ngoài công việc. Buổi tối xong việc, mỗi người cầm điện thoại để gọi video cho gia đình. "Tôi chỉ biết nói chuyện với các con và hẹn hôm nào dịch tạm lắng sẽ về. Có hôm nói mà nghẹn lời, nhưng tôi vẫn cố gượng cười chào chúng", chị Hồng kể.
Nữ y tá bày tỏ sự cảm thông và khâm phục với đồng nghiệp ở tuyến đầu. "Nhiều lúc nghĩ mình chỉ là tuyến trạm, có thể nói là tuyến cuối mà còn vất như vậy thì những người tuyến đầu gian nan và căng thẳng nhường nào", chị Hồng chia sẻ.
>>Lá thư thầy Tùng gửi vợ
Bình Minh