Chiều nay 25-10, 118 tân sinh viên tại 19 tỉnh, thành phía Bắc: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc có mặt tại Hà Nam dự lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Hà Nam và các tỉnh, thành đoàn khu vực phía Bắc tổ chức.
Tân sinh viên khu vực 19 tỉnh, thành phía bắc về nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tìm thấy ánh sáng nhờ tri thức soi lối
Trên chuyến xe từ Đại học Bách Khoa (Hà Nội) về Hà Nam, các bạn tân sinh viên háo hức đón chờ lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường khu vực phía Bắc.
Không chỉ vượt khó, tâm gương về tân sinh viên vượt nghịch cảnh, vượt lên khiếm khuyết đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho người xung quanh.
Trên chuyến xe cùng với Tuổi Trẻ, cô gái khiếm thị Vũ Thị Hải Anh (quê ở Nam Định) - tân sinh Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về khát khao học tập.
Đôi mắt không nhìn thấy được, xung quanh chỉ là bóng tối, nhưng Hải Anh đã tìm thấy ánh sáng của đời mình nhờ tri thức soi rọi.
"Từ khi sinh ra em đã không nhìn thấy ánh sáng. Nhưng khi được đi học, em được sống trong môi trường hòa nhập với các bạn. Chính ánh sáng tri thức đã soi lối cho em tìm đến ước mơ, soi sáng cuộc đời em" - Hải Anh nói.
Chia sẻ niềm vui sẽ được nhận học bổng, Hải Anh nói với số tiền đó sẽ giúp em trang trải chi phí học tập, mua giáo trình cho người khiếm thị, cũng như chi trả cho việc hỗ trợ đi lại bằng xe ôm công nghệ để đến giảng đường.
Với "chiến binh" Đỗ Anh Tú (quê ở Hà Nội) phải cắt bỏ một chân vì căn bệnh ung thư xương. Khó khăn chẳng ngăn được ước mơ, Tú đã nỗ lực hết sức mình để vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa chạm tay đến giảng đường đại học.
Vậy mà, đường đến trường với Tú chẳng hề dễ dàng. Mẹ đã vay mượn tiền để chữa bệnh cho em, nay tiếp tục chạy vạy khắp nơi để lo cho Tú đến trường.
"Khi biết tin nhận được học bổng, em rất vui. Trước khi nghiên cứu vào trường, em đã biết học phí ở đây. Vì vậy, có được học bổng em sẽ trang trải được rất nhiều, học phí và ăn ở. Tiền học bổng này em hứa sẽ sử dụng thật tiết kiệm" - Tú nói.
Hai chữ "H" quý giá: Học - Hiếu
Thay mặt báo Tuổi Trẻ, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chào mừng 118 tân sinh viên có mặt tại lễ trao học bổng.
Ông cho biết năm 2023 là năm rất đặc biệt, là năm kỷ niệm 35 năm chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ, 20 năm chương trình học bổng Tiếp sức đến trường hướng tới giúp học sinh, sinh viên, với điểm chung là các bạn nhận học bổng đều học giỏi, hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn.
Ông nhắc đến sự đồng hành của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã cùng báo Tuổi Trẻ tiếp nối, đưa sứ mệnh của mình để tiếp sức cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Dịp này, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cảm ơn các doanh nghiệp, ân nhân đã không quản ngại khó khăn, nhất là trong hai năm dịch COVID-19 không quên hỗ trợ lại cộng đồng, cũng như thông qua báo Tuổi Trẻ để hỗ trợ các bạn tân sinh viên.
Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chia sẻ với các bạn tân sinh viên, ông Toàn nói 118 tân sinh viên ngồi đây có một điểm chung là tinh thần hiếu học, vượt khó, vươn lên khó khăn. Có bạn tân sinh viên mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ, nhưng ông nhắn nhủ các bạn hãy tin rằng xung quanh luôn có những tấm lòng sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với các bạn để vượt qua giai đoạn đầu ở ngưỡng cửa đại học này.
"Tôi xin tặng các bạn hai chữ "H". Trước hết là chữ "Học" - vì chỉ có học thì các bạn mới đền đáp được sự hỗ trợ, tin tưởng của anh chị đi trước, chỉ có học các bạn mới bù đắp được sự tin tưởng của cha mẹ, thầy cô và các lãnh đạo đang có mặt ở đây.
Chữ "H" thứ hai là chữ "Hiếu" - tôi rất xúc động khi duyệt những bài viết về các bạn, có những bạn không còn cha, không còn mẹ, nhưng chính các bạn đã làm cho tôi và các anh chị khác cảm phục về ý chí vươn lên. Chữ Hiếu sẽ giúp các bạn vượt qua khó khăn" - ông nhắn nhủ.
Nhân văn là nền tảng phát triển bền vững
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh đến tính nhân văn của chương trình trong suốt 20 năm qua khi đã trao tặng học bổng đến 23.000 tân sinh viên.
Ông đánh giá báo Tuổi Trẻ là tờ báo lớn trong hệ thống báo chí của nước nhà, lớn về quy mô, về sự quan tâm theo dõi của bạn đọc, có sức lan tỏa và ảnh hưởng trong đời sống xã hội.
Ông nhận định, báo Tuổi Trẻ đã hội tụ đủ ba yếu tố: chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại, trong đó ông cho rằng yếu tố nhân văn là nền tảng, trụ cột cho báo Tuổi Trẻ phát triển bền vững, phát triển chuyên nghiệp, hiện đại.
Theo ông Lâm, báo Tuổi Trẻ hấp dẫn bạn đọc không chỉ ở nội dung trang báo, ở tính nhân văn được thể hiện trên các bài viết khi đề cập đến một vấn đề nào đó trong xã hội, mà tính nhân văn ở đây còn là hoạt động sau mặt báo.
Ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhắc đến các hoạt động sau mặt báo, ông Lâm cho rằng, các hoạt động này được triển khai từ chính tấm lòng, sự thôi thúc của những người làm báo và xã hội đặt ra, mong muốn các cơ quan báo chí. Trong đó báo Tuổi Trẻ đã đứng lên để kết nối những tấm lòng nhân ái cao đẹp, kết nối tấm lòng với tấm lòng.
Ông cũng chia sẻ hôm nay có rất nhiều nhà tài trợ, đồng hành với báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua góp mặt tại lễ trao, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn sau nhiều năm chống chọi với đại dịch COVID-19 để ủng hộ để trao tặng món quà học bổng ý nghĩa cho các bạn tân sinh viên, có thể hỗ trợ cho các em những năm đầu tiên về học phí, thuê nhà trọ, trang thiết bị tối thiểu cho các em học tập.
"Có thể nói, cùng với báo Tuổi Trẻ, chúng tôi cảm ơn các nhà tài trợ đã luôn đồng hành, ủng hộ các cơ quan báo chí và cụ thể là chương trình này. Các anh chị đã gieo vào 23.000 tấm lòng, sự nỗ lực của các em tân sinh viên. 23.000 tân sinh viên trong suốt hàng chục năm qua lại lan tỏa để có các em khác học hỏi, noi gương để tiếp tục học tốt, có những đóng góp cho xã hội. Tôi rất cảm động" - ông Lâm nói.
Sức mạnh đến từ chính bản thân mình
Tại lễ trao câu chuyện của hai cô bé tân sinh viên vừa tròn mười tám khiến không ít người xem lặng lẽ rơi nước mắt.
Dường như khó khăn không cản được ý chí của những đứa trẻ mang trong mình hoài bão lớn lao. Trên hành trình ấy, dù không còn bố, nhưng may mắn cuộc đời còn có mẹ kề bên.
Trần Thúy Hảo (quê Hà Nam) - tân sinh viên trường Đại học Y Hà Nội - từng có ý định dừng việc học để đi làm phụ mẹ nuôi em - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Đêm học đã mệt nhoài, vậy mà đến 1h sáng, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, Trần Thúy Hảo (quê Hà Nam) lục tục dậy phụ mẹ làm đậu phụ.
Số tiền ít ỏi từ bán đậu phụ của mẹ chỉ đủ trang trải chi phí cho gia đình, còn số tiền nợ từ ngày chạy chữa cho bố bị ung thư chẳng thể trả được.
Thương mẹ, cô bé vừa đi học vừa đi làm, Hảo cũng từng phải làm công nhân để kiếm tiền học.
Vượt qua bao nhọc nhằn, Trần Thúy Hảo với nỗ lực luyện rèn đã chạm tay đến cánh cổng Trường Đại học Y Hà Nội.
Nhưng cánh cửa đại học vừa mở ra, lại như muốn đóng sập lại khi số tiền học lớn quá, hai mẹ con Hảo chẳng biết lấy đâu ra tiền để lo chặng đường dài phía trước. Mà học Y, càng phải nỗ lực hơn gấp bội.
Hảo dự định cứ đi học đã, hết kỳ chưa vay mượn thêm được em sẽ xin bảo lưu rồi đi làm công nhân, khi nào đủ tiền nộp học lại quay lại học tiếp.
Trần Lệ Anh (quê Bắc Giang), sinh viên trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, quyết tâm theo đuổi việc học bởi Anh nói "chỉ có học mới vượt qua được khó khăn" - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Với cô tân sinh viên Trần Lệ Anh (quê Bắc Giang), ngày còn đi học gần nhà, Lệ Anh với mẹ nhường nhau chiếc xe đạp duy nhất. Lúc đưa em đi học, lúc chiếc xe lại trở thành phương tiện mưu sinh chính của mẹ.
Bố mất rồi, người mẹ sức khỏe yếu, một bên mắt đã bị hỏng, mắt còn lại không còn nhìn rõ, không chỉ nhận quét dọn cho một trường học gần nhà, mẹ còn đạp xe đi thu mua đồng nát, giấy vụn.
Lệ Anh còn một anh trai bị tâm thần, khi bố mất nhà không nuôi nổi phải gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội.
Cô bé ấy lựa chọn vừa học, vừa đi kiếm việc để giúp đỡ mẹ. Từ năm học lớp 7 Lệ Anh đã bắt đầu đi làm công nhân cho xưởng đóng bao bì, sau đó làm nhân viên quán trà sữa rồi xin học nghề lắp ráp, sửa chữa máy tính…
Ngày nhận tin con đỗ đại học, người mẹ gom góp hết số tiền từ những gánh ve chai, cả tiền lương quét dọn, bán luôn con bò để con gái có tiền nhập học.
Lệ Anh quyết tâm không thể từ bỏ việc học. Gia đình khó khăn quá rồi, chỉ có học mới giúp em vượt qua được.
Tại lễ trao, nhiều tân sinh viên không cầm được nước mắt khi xem đoạn phim về Thúy Hảo và Lệ Anh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại lễ trao, hai bạn tân sinh viên Trần Thúy Hảo và Trần Lệ Anh được nhận Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam trao tặng suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng trong suốt bốn năm học - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam trao tặng 5 laptop dành cho các tân sinh viên đặc biệt khó khăn, còn thiếu thiết bị học tập - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chia sẻ tại lễ trao học bổng, ông Lê Tuấn Dũng - giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình - gửi lời chúc mừng tới các tân sinh viên đã nhận được học bổng ngày hôm nay và mong rằng học bổng hỗ trợ được các em những vấn đề tài chính trong thời gian tới.
"Học tập là sự phấn đấu lâu dài, hôm nay các em mới chỉ là những tân sinh viên, chặng đường phía trước còn rất dài. Nhưng tôi muốn nói rằng các em không cô độc, học bổng này phần thưởng cho các em. Đó là sự trao gửi yêu thương và hy vọng dành cho các em.
Tôi hy vọng rằng trong 4 năm, 5 năm tới, các em tân sinh viên ngồi đây sẽ là những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên,… đạt được ước mơ của các em và tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh giống như các em", ông Dũng nói.
Ông Lê Tuấn Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phát biểu tại lễ trao học bổng, ông Nguyễn Đức Vượng - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ và những nhà tài trợ đã mang đến những phần học bổng ý nghĩa cho các em tân sinh viên.
Ông Vượng chia sẻ giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu của đất nước, bồi dưỡng nhân tài giúp đất nước ngày càng phát triển. "Một trong những điều kiện để thành người tài, người có trí tuệ đó là nhờ vào sự học tập, phấn đấu ở bản thân các em. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là vấn đề về kinh tế, nhiều gia đình khó khăn khiến các em không thể đóng học phí, mua sắm thiết bị học tập.
Nhiều em đã phải gác lại giấc mơ đến trường của mình vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Vì vậy, học hổng hôm nay có ý nghĩa rất thiết thực. Học bổng không chỉ là khoản tiền, đó còn là sự tin tưởng được trao gửi, tiếp sức cho các em mạnh mẽ hơn để tiếp tục con đường học thức", ông Vượng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại buổi lễ, 118 tân sinh viên 19 tỉnh, thành phố đã được ban tổ chức, đại biểu tham dự trao học bổng Tiếp sức đến trường. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cũng đã trao tặng 8 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí cho 8 tân sinh viên đang theo học ở Hà Nội.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (bên phải) và ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam (trái) và anh Vũ Trần Tùng Anh, Phó Bí thư tỉnh đoàn Hà Nam trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ khu vực phía Bắc (bên phải) và thượng tá Nguyễn Thị Thứ - phó trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Hà Nam trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đại diện nhà tài trợ Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) trao tặng học bổng cho các tân sinh viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các tân sinh viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các bạn tân sinh viên 19 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc năm 2023 nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" đợt II - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các bạn tân sinh viên 19 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc năm 2023 nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" đợt III - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các bạn tân sinh viên 19 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc năm 2023 nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" đợt IV - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
118 suất học bổng được trao gửi hôm nay không chỉ có ý nghĩa vật chất, mà còn là món quà tinh thần, tiếp sức cho các em tân sinh viên vượt qua khó khăn trước mắt, nỗ lực không ngừng, quyết tâm chinh phục đỉnh cao tri thức.
Tham dự lễ trao học bổng có ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; thiếu tướng Trần Thanh Phong - phó cục trưởng Cục truyền thông Bộ Công an; bà Lê Thị Thanh Hà - trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đức Vượng - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; ông Lê Huy Nam - Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo.Về phía Tỉnh Đoàn có anh Vũ Trần Tùng Anh - phó bí thư Tỉnh đoàn, chủ tịch hội đồng Đội Tỉnh đoàn Hà Nam.
Đại diện báo Tuổi Trẻ với sự tham dự của nhà báo Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ khu vực phía Bắc.
Phía đơn vị tài trợ có sự tham gia của ông Lê Tuấn Dũng - giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình; ông Trịnh Thanh Dũng - giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam; ông Lê Thanh Tùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dầu khí IDICO; ông Phạm Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dầu khí IDICO.
Cùng dự, có ông Nguyễn Tuyển Hiểu - phó ban quản lý dự án Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dầu khí IDICO tại Hà Nam; ông Nguyễn Trọng Giáp - giám đốc điều hành VUS miền Bắc; ông Trần Quang Như - phó giám đốc Công ty TNHH Văn Hường.
Trao 118 suất học bổng cho tân sinh viên 19 tỉnh, thành phía Bắc
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,8 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có hai suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt bốn năm học và 5 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng cho tân sinh viên.
Năm 2023, Quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã tài trợ cho chương trình 3 tỉ đồng, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ cho chương trình 3,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 50 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên nhận học bổng từ chương trình. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên…
Đồ họa: SONG UYÊN