Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, gần đây ban hành quy định về việc sử dụng các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) trong luận văn tốt nghiệp. Trường này hiện trong top 5 Trung Quốc, top 36 thế giới, theo xếp hạng đại học THE 2025.
Quy định mới nêu chi tiết những phạm vi mà AI được phép hỗ trợ nghiên cứu hoặc bị cấm.
Theo đó, sinh viên không được dùng AI tạo sinh (generative AI) và các công cụ hỗ trợ AI khác để chọn chủ, thiết kế phương pháp nghiên cứu, xây dựng thuật toán và mô hình, phân tích dữ liệu, trình bày phần kết quả, bàn luận và kết luận trong luận văn hay tóm tắt ý nghĩa nghiên cứu trong quá trình viết.
Sinh viên cũng bị cấm dùng các công cụ AI thay đổi dữ liệu thô và tạo ra số liệu mới dựa trên kết quả của thí nghiệm. Ngoài ra, họ không được dùng AI để viết nội dung chính, lời cảm ơn và các phần khác của luận văn, hay để dịch và trau chuốt ngôn ngữ.
Hội đồng bảo vệ và đánh giá luận văn cũng bị cấm dùng AI để đánh giá luận văn tốt nghiệp của sinh viên đại học.
Sinh viên Đại học Phúc Đán ở thư viện trường. Ảnh: Fudan University Weibo
AI có thể được dùng với điều kiện: người giám sát luận văn cho phép và nội dung do chúng tạo ra không ảnh hưởng đến việc đánh giá khả năng sáng tạo của sinh viên. Dựa trên những tiền đề này, sinh viên được phép dùng công cụ AI để tìm kiếm và tham khảo tài liệu, tạo biểu đồ dựa trên những số liệu sẵn có và đối chiếu các tài liệu tham khảo.
Sinh viên phải nêu rõ những công cụ AI đã được sử dụng trong luận văn của mình, kèm thời gian và mục đích. Nội dung hay đề xuất nào trong bài luận văn được hoàn thành nhờ AI cũng phải được khai chi tiết.
Nếu vi phạm, luận văn tốt nghiệp có thể bị trừ điểm. Nặng hơn, sinh viên không được bảo vệ hoặc bị hủy bằng cấp.
Quy định mới được đưa ra khi nhiều sinh viên và giáo sư đại học bắt đầu dựa vào AI để hỗ trợ nghiên cứu, trong khi các bài báo khoa học được AI hỗ trợ vẫn chưa có đầy đủ độ tin cậy và tính toàn vẹn về mặt học thuật.
Hồi tháng 3, bài báo trên tạp chí Science Citation Index của một giáo sư và các đồng nghiệp tại một đại học ở Bắc Kinh bị phát hiện chứa câu lệnh ChatGPT phổ biến trong phần giới thiệu. Bài báo sau đó bị rút do trùng lặp dữ liệu văn bản và hình ảnh, gây nghi ngại rằng các tác giả đã lén sử dụng nguồn AI tạo sinh trong quá trình viết.
Ngoài Phúc Đán, nhiều đại học đã thông báo sẽ thí điểm giám sát việc sử dụng AI tạo sinh trong luận văn tốt nghiệp của sinh viên đại học. Chẳng hạn Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc đã phát triển một hệ thống phát hiện AI để sàng lọc luận văn của sinh viên sau đại học. Kết quả sẽ được cung cấp cho các giám sát viên và hội đồng bảo vệ để tham khảo.
Khánh Linh (Theo China Daily)