Chuyên mục  


Suốt ba năm nay, Joey Lu trải qua thời gian biểu học tập khắc nghiệt tại trường, chưa tính ba tiếng học thêm gần như mỗi tối. Dù vậy, những điều đó chưa đủ để giúp Lu đỗ THPT ở thành phố Quảng Châu. Với Lu và gia đình, vào THPT là bước tiến quan trọng để em vào đại học trong nước.

Vì tương lai của Lu, bố mẹ em đứng trước hai lựa chọn: chi thêm 70.000 nhân dân tệ (gần 240 triệu đồng) để con học và thi lại vào năm sau, hoặc cho con học cấp ba ở nước ngoài. Nhiều gia đình ở Trung Quốc đối mặt tình cảnh như bố mẹ Lu.

Từ năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành chính sách mới về tuyển sinh THPT. Theo đó, sau khi học hết THCS, một nửa sẽ vào trường THPT, phần còn lại vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chính sách tuyển 50% học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề tiếp tục được nhấn mạnh trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025. Động thái được đưa ra nhằm củng cố lực lượng lao động lành nghề của Trung Quốc và là một phần trong kế hoạch học hỏi Đức, quốc gia nổi tiếng về đào tạo tay nghề cao, để duy trì lợi thế sản xuất. Theo dữ liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, "công xưởng thế giới" sẽ thiếu hụt khoảng 30 triệu lao động lành nghề trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2025.

Dù nhu cầu nhân lực lớn, nhìn chung, các gia đình Trung Quốc khó chấp nhận việc để con học nghề khi hết THCS, bởi tấm bằng đại học là điều cần thiết để thăng tiến. Do vậy, nhiều phụ huynh tìm phương án dự phòng, chủ yếu là du học trong trường hợp con họ không thể vượt qua kỳ thi vào THPT.

Đồ hoạ: SCMP

Sách trắng về du học năm 2023 của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục New Oriental, "ông lớn" về dịch vụ giáo dục tư nhân Trung Quốc, chỉ ra rằng mức độ sẵn lòng du học của học sinh 15-17 tuổi đã tăng lên trong hai năm gần đây khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ông Dong Shige, người sáng lập trường Quốc tế RDF Thâm Quyến, cũng nhận thấy chi phí con du học chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu của các gia đình so với những năm trước.

Một hướng đi khác của một số phụ huynh là chuyển nơi làm việc. Tại Thượng Hải, Robert Wang, một luật sư với gần 20 năm kinh nghiệm, đang nộp đơn đăng ký visa Hong Kong. Anh làm vậy không phải vì tham vọng nghề nghiệp, mà vì đứa con 12 tuổi của mình.

"Tôi có thể mất tới vài trăm nghìn nhân dân tệ cho việc cấp thị thực, phải tìm công việc mới hoặc lấy bằng cấp ở Hong Kong. Nhưng đây là phương án dự phòng để con tôi được nhận vào một trường THPT", anh nói, thêm rằng con trai hiện phải đối mặt với quá nhiều áp lực và khả năng cao không đỗ vào một trường THPT ở quê.

Để chắc chắn con mình được học trường THPT mà không phải trường nghề, các gia đình như nhà Wang đang rất nỗ lực, bay đến những nơi xa như Hong Kong, Đông Nam Á hay Canada.

"Chúng tôi có thể cảm thấy sự lo lắng của các bậc cha mẹ khi gần một nửa học sinh không thể vào trường THPT - con đường cơ bản để vào đại học", Ivan Zhai, giám đốc tuyển sinh cấp cao ở một trường THPT tại Ontario (Canada), chia sẻ.

Cũng theo ông, phụ huynh không muốn chấp nhận việc con học nghề nên du học trở thành một lựa chọn, dù điều đó gia tăng áp lực cả về tài chính lẫn sự lo lắng khi con phải đến một đất nước xa lạ khi còn nhỏ.

"Nhiều học sinh trượt cấp ba ở Trung Quốc thật ra có kết quả học tập rất tốt và sẽ đáp ứng mọi yêu cầu đầu vào THPT ở nước ngoài, ví dụ Canada", ông nói.

Canada ghi nhận ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc, thậm chí những người đã có bằng đại học và làm việc nhiều năm, đăng ký vào các trường đại học địa phương. Đây là cách để con họ được vào các trường THPT công lập.

Đối với những phụ huynh không chọn du học, họ phải chi nhiều hơn để con học thêm, ngược lại chính sách "giảm kép" được thực hiện vài năm gần đây nhằm giảm bớt gánh nặng cho các gia đình.

Báo cáo năm 2022 của Tổ chức phi chính phủ YuWa cho biết Trung Quốc là quốc gia có chi phí nuôi dạy con cao thứ hai thế giới, sau Hàn Quốc. Cụ thể, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở nước này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người. Con số này cũng gấp đôi so với Đức, gấp ba so với Australia và Pháp.

Phương Anh (Theo SCMP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020