Chuyên mục  


anh-thptbai-3-nam-tran-1-read-only-1732849347853264110122.jpg

Học sinh tìm kiếm thông tin hướng nghiệp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều hiệu trưởng ở bậc THPT cho rằng phần lớn học sinh đầu cấp, thậm chí cả phụ huynh thiếu thông tin hướng nghiệp. Không những vậy, hiệu trưởng một số trường THCS tại Hà Nội cũng thừa nhận chỉ mới quan tâm đến việc dạy học, tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp để thi đỗ trong kỳ thi chuyển cấp.

"Thiếu người, thiếu tiền, thiếu thời gian"

"Lo cho học sinh thi chuyển cấp là áp lực lớn nhất. Ở các lớp 6, 7 cũng có tổ chức các hoạt động trải nghiệm về nghề nghiệp nhưng cũng hạn chế vì thiếu người, thiếu tiền, thiếu thời gian. Học sinh quá nhỏ nên cũng khó đánh giá về mức độ nhận thức về nghề nghiệp.

Trong khi lớp 8, 9 bắt đầu phải dồn sức cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng, hầu như không tổ chức các hoạt động khác, dành tối đa thời gian cho ôn thi" - một hiệu trưởng THCS ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ.

Trên thực tế, công tác hướng nghiệp thực sự tác động tích cực đến học sinh chỉ được triển khai ở một số tỉnh miền núi, hay ở nhóm các trường tư chất lượng cao tại các đô thị. Tại Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang..., việc gắn nội dung dạy học, hoạt động trải nghiệm với các nghề truyền thống của địa phương được triển khai mạnh ở nhiều trường.

Tại Hà Nội, một số trường tư cũng quan tâm tới hướng nghiệp từ cấp THCS. Cách làm của các trường này là phân theo nhóm ngành nghề để lần lượt học sinh được tiếp cận tùy theo độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 9, có trường triển khai sớm hơn cho học sinh cuối cấp tiểu học. Không chỉ tiếp cận thông tin thuần túy, học sinh được tham quan, thậm chí thực hành, trải nghiệm tại các môi trường công việc khác nhau.

Ngoài ra, các em cũng tham gia các sự kiện, diễn đàn, cuộc họp giả định, tiếp xúc, tương tác với người nổi tiếng, chuyên gia, người làm việc ở các lĩnh vực. Nhiều trường mời phụ huynh tham gia công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Tuy vậy, phần lớn trường công lập cấp THCS không thực sự quan tâm đến hướng nghiệp. Có nhiều khó khăn trong đó có khó khăn về tài chính, giáo viên, nhưng còn một lý do nữa là áp lực thi chuyển cấp khiến các trường chỉ quan tâm đến ôn thi cho học sinh cuối cấp. Các hoạt động hướng nghiệp chỉ mang tính hình thức.

Điều này dẫn tới thực trạng phần lớn học sinh trường công không có nhiều thông tin, thậm chí chưa có ý thức tìm hiểu về ngành nghề tương lai của mình.

Các em cũng không có cơ hội khám phá bản thân để biết mình thích môn học nào, tố chất của mình phù hợp với nghề nghiệp gì trong tương lai. Ước mơ về một nghề nghiệp với học sinh cuối cấp THCS hầu như chưa rõ ràng, thậm chí là không có.

Trong tham luận về hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại hội thảo khoa học về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Cao Thị Phương Chi và Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đưa ra một kết quả khảo sát với 555 học sinh lớp 10, 11, 12 ở 9 tỉnh thành.

Trong đó gần 30% học sinh chưa nghĩ đến sẽ làm gì sau lớp 12. Hầu hết học sinh chỉ quan tâm đến phương án tuyển sinh nào đủ điều kiện để mình thi đỗ chứ chưa thực sự quan tâm đến nghề nghiệp phù hợp.

Có 55,3% học sinh đã có dự kiến sơ bộ về tương lai của mình nhưng chỉ có 14,9% biết rõ mình sẽ làm gì. Những nghề được học sinh kể ra nhiều nhất chỉ có nghề bác sĩ, giáo viên, công an, công nghệ thông tin, kinh doanh - bán hàng.

Khảo sát cũng cho thấy các hoạt động hướng nghiệp ở cấp THPT dồn vào năm cuối cấp, không mang nhiều ý nghĩa định hướng, không giúp học sinh đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp. Học sinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cha mẹ, mạng xã hội, thầy cô giáo trong khi các cơ sở đào tạo, các cơ quan về việc làm, lao động chưa có ảnh hưởng tới học sinh trung học.

nh-tb3333-read-only-1732849347866754934729.jpg

Một tiết học môn văn của cô trò lớp 12A14 Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thay đổi tuyển sinh lớp 10

Không chỉ là vấn đề phải hướng nghiệp sớm, GS Đỗ Đức Thái - tổng chủ biên chương trình môn toán, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - còn cho rằng việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay là một giải pháp có thể tác động giúp học sinh đầu cấp THPT có lựa chọn hướng đi phù hợp hơn.

Nhiều năm qua các tỉnh, thành phố chủ yếu chỉ tổ chức thi toán - ngữ văn hoặc toán - ngữ văn - tiếng Anh vào lớp 10. Trong khi đó tâm lý phổ biến của học sinh, phụ huynh và cả các nhà trường là "thi gì học nấy".

"Kỳ thi chuyển cấp hiện nay còn căng thẳng, áp lực hơn nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế nếu không thi, sẽ khó ép học sinh học tốt. Đó là thực tế không thể phủ nhận được.

Học sinh không học tử tế kiến thức khoa học tự nhiên trong đó có kiến thức vật lý, hóa học, sinh học thì làm sao hiểu và yêu thích, làm sao có sự hình dung được về nghề nghiệp tương lai liên quan tới kiến thức khoa học tự nhiên, hay ý nghĩa của việc ứng dụng kiến thức đó vào các vấn đề trong cuộc sống đương đại. Mà đã không hiểu, không yêu thì đương nhiên sẽ không chọn học ở THPT" - ông Thái phân tích.

Ông Thái cho rằng cần phải chuyển từ tâm lý "thi gì học nấy" sang việc "học gì thi nấy". Việc này rất cần thiết áp dụng đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì chỉ có "học gì thi nấy" thì học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình ở giai đoạn giáo dục bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9).

"Ngoài môn toán, ngữ văn, cần có thêm một bài thi tổng hợp có phần nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở bậc THCS. Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới có đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp khi vào lớp 10" - ông Thái nêu quan điểm.

Trong các năm trước, nhiều địa phương cũng đã áp dụng phương thức thi lớp 10 theo gợi ý của GS Thái. Nhưng sau đó áp lực từ dư luận, từ phụ huynh khiến các địa phương bị dao động, rút dần bài thi tổng hợp, giảm số môn thi, cuối cùng chỉ còn toán - ngữ văn hoặc toán - ngữ văn - tiếng Anh. Xung quanh vấn đề này có nhiều quan điểm trái chiều.

Nhưng ở góc độ quản lý giáo dục hiện nay chưa có một giải pháp nào tốt hơn là can thiệp bằng kỳ thi để chống việc học lệch, chống việc cắt xén chương trình nhằm duy trì chất lượng giáo dục tối thiểu.

Theo ông Thái, thực trạng quay lưng với các môn học khoa học tự nhiên đang là nỗi lo rất lớn mà muốn giải quyết phải đi từ gốc chứ không thể chỉ dồn gánh nặng tư vấn hướng nghiệp cho cấp THPT.

Khó giải quyết việc chọn môn học nếu hướng nghiệp không cải thiện

Theo TS Lê Đông Phương, việc hướng nghiệp sớm từ bậc THCS đa phần hình thức, không hiệu quả, cung cấp thông tin chung chung, mơ hồ. Giáo viên phụ trách hướng nghiệp kiêm nhiệm, ít người được bồi dưỡng, đào tạo về công tác hướng nghiệp. Những bất cập trong việc chọn môn học, chọn môn thi ở cấp THPT sẽ khó giải quyết nếu việc hướng nghiệp sớm cho học sinh từ cấp THCS không được cải thiện.

* GS ĐỖ ĐỨC THÁI (tổng chủ biên chương trình môn toán, Chương trình giáo dục phổ thông 2018):

Thi cử tác động lớn đến chương trình

do-duc-thai-01-read-only-17328493478601864263058.jpg

Một trong ba yếu tố đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuẩn hóa chương trình, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên và thay đổi thi cử, đánh giá học sinh.

Thi cử là khâu cuối nhưng lại có tác động lớn đến việc thực hiện chương trình.

Hiện nay cần thay đổi ở cả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Các kỳ thi do các cơ sở đại học tổ chức nhằm tuyển sinh cũng cần đảm bảo đi cùng hướng, tác động trở lại nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông.

Nếu không cùng hướng sẽ rất nguy hiểm vì không chỉ cổ xúy cho việc dạy học lệch mà còn cổ xúy cho việc dạy thêm, học thêm nếu các kỳ thi ra đề vượt ra ngoài yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020