Chuyên mục  


Sáng chủ nhật, thay vì cho phép mình ngủ thoải mái sau cả tuần đi làm, Phạm Nguyễn Minh Ngọc, 22 tuổi, Hà Nội, dậy sớm, chọn bộ quần áo yêu thích nhất, cùng gia đình đến Đại học Kinh tế quốc dân. Ngày 25/4, trường tổ chức lễ tốt nghiệp sớm cho hơn 200 sinh viên, trong đó Ngọc đạt điểm cao nhất.

Với 3,94/4, nữ sinh trở thành thủ khoa đầu ra sớm của Đại học Kinh tế quốc dân năm 2021. Được xướng tên và nhận bằng khen trong tiếng vỗ tay của mọi người, Ngọc cười nói: "Dù biết điểm số tương đối tốt, mình chỉ nghỉ thuộc top 5 của khoa Quản trị doanh nghiệp, không nghĩ trở thành thủ khoa của trường. Đến giờ, khi nghĩ lại giây phút đó, mình vẫn lâng lâng sung sướng", Ngọc nói.

PNMN-1-8411-1619521891.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7WV1gW6ReB8Br0bewICfuw

Phạm Nguyễn Minh Ngọc, thủ khoa đầu ra trong đợt tốt nghiệp sớm của Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không học trường chuyên, lớp chọn, từ bé Ngọc rất thích khám phá. Mỗi khi hứng thú với một vấn đề, Ngọc có thể dành hàng giờ để đọc về nó. Tuy yêu thích môn Văn, khi trở thành học sinh của trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Minh Ngọc vẫn theo đuổi khối A00 (Toán, Lý, Hóa) để vào trường kinh tế. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Ngọc được 27,75 điểm, mỗi môn 9,25, trúng tuyển khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân.

Trở thành sinh viên, Ngọc nhận ra nếu chỉ phụ thuộc giáo viên, học để thi, thì không thể đạt kết quả tốt. Giữ thói quen tự học từ bậc THPT, nữ sinh thường ghi chép tỉ mỉ, sau đó về nhà hệ thống lại vì nhiều bài không thể nghe, hiểu ngay trên lớp. Nhờ đó tuy không giành học bổng trong kỳ đầu tiên ở Đại học Kinh tế quốc dân, Ngọc vẫn đạt điểm trung bình 8,8.

Khi bắt nhịp được với cách học và môi trường, nữ sinh ghi dấu ấn trong nhiều bài tập nhóm. Trước mỗi bài thuyết trình, Ngọc thường tổng hợp nội dung từ các thành viên, sau đó điều chỉnh để hoàn thành bài, làm slide nếu cần. "Tuy không phải là người thuyết trình, mình luôn có cơ hội được đọc và hệ thống lại kiến thức. Đây là một cách học, giúp mỗi mùa thi của mình nhàn hơn", Ngọc nói.

Trước kỳ thi, dựa vào nội dung đã ghi chép từ những bài giảng của thầy cô trên lớp, nữ sinh sẽ hệ thống lại và làm đề cương. Khi được lớp trưởng đề nghị photo lại tài liệu đó cho các thành viên trong lớp, Ngọc vui vẻ đồng ý. "Mình hoàn toàn không sợ mất bài hay bị các bạn vượt điểm. Mình nghĩ nếu những cái bản thân làm ra có thể giúp được người khác thì không nên từ chối", nữ sinh chia sẻ.

Càng học sâu, Ngọc càng gặp nhiều môn khó mà không thể nghe hiểu ngay trong thời gian học trên lớp. Do đó, nữ sinh dành 2-3 tiếng mỗi ngày để đọc lại bài. Nếu vẫn không hiểu, Ngọc sẽ tìm các tài liệu của trường khác hoặc bằng tiếng Anh. Sau đó, để nhớ lâu và "kiểm chứng" xem mình có thật sự hiểu vấn đề hay không, Ngọc chọn cách giảng lại cho bạn bè. Trước mỗi kỳ thi, nữ sinh thường lên kế hoạch ngày nào học môn gì.

IMG-1053-8232-1619521891.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5ZXudeVr5zVq6fl5HQZjiA

Minh Ngọc và gia đình trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi kỳ, Ngọc đăng ký học vượt 2-3 môn để ra trường sớm nên số tín chỉ gần như luôn ở mức tối đa. Nữ sinh cho rằng việc học nhanh và ra trường sớm sẽ tiết kiệm được gần 6 tháng so với bạn bè, có thể dùng thời gian đó để học thêm các kỹ năng phù hợp, học ngoại ngữ, đồng thời tăng cơ hội xin được việc khi tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn lúc sinh viên tốt nghiệp ồ ạt.

Tuy nhiên, vì học nhiều, Ngọc gặp stress vào đầu năm hai khi trường học thay đổi thời khóa biểu. Các môn nữ sinh đăng ký không may bị xếp lịch liên tiếp, có môn hai buổi một tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu thầy cô giao bài tập lớn để thuyết trình, lấy điểm giữa kỳ vào thứ hai, Ngọc chỉ có hai ngày chuẩn bị.

Thời gian đó, nữ sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, bơ phờ và không còn thời gian tham gia nghiên cứu khoa học. "Mỗi lần định bỏ cuộc, mình luôn tự động viên thôi cố lên một chút, cũng sắp hết kỳ rồi. Từng chút như vậy, mình cũng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn", Ngọc nhớ lại.

Ngọc từng trượt thể dục. Theo quy định của Đại học Kinh tế quốc dân, nếu bị trượt môn, sinh viên sẽ không được học bổng của kỳ đó. Việc này đã khiến Ngọc khá sốc và khó chấp nhận trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi bình tâm lại, nữ sinh thấy mình cũng chưa thực sự làm hết sức để vượt qua học phần bóng rổ. "Vì chưa làm hết khả năng, mình phải chấp nhận kết quả này. Từ trải nghiệm đó, mình luôn tự nhủ có thể làm tốt hơn, cần cố gắng tối đa để không hối tiếc", Ngọc nói.

Trong khóa luận tốt nghiệp, Ngọc chọn đề tài về cách giữ chân nhân lực, số liệu và khảo sát được lấy từ công ty nữ sinh thực tập. Có được chủ đề ưng ý sau nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu từ công ty, trên mạng và ở thư viện trường, Ngọc rất hào hứng. Thế nhưng, vì một số vấn đề, nữ sinh phải chuyển cơ sở thực tập, đồng nghĩa không thể tiếp tục sử dụng số liệu tại khóa luận đang làm.

Được giảng viên hướng dẫn khóa luận hỗ trợ, Ngọc làm lại từ đầu, chỉ giữ lại tên đề tài còn số liệu phải thu thập từ công ty mới. "Với suy nghĩ phải làm thật nhanh và cô đọng để kịp nhận góp ý của giảng viên, mình dành ra ba đêm liên tiếp để hoàn thành ý chính. Vì ban ngày vẫn làm toàn thời gian, mình khá mệt mỏi thời gian này", Ngọc kể.

Vì phải chuyển hướng nghiên cứu số liệu, nữ sinh phải chạy thử dữ liệu trên phần mềm SPSS về nhận định xu hướng và vấn đề. Ngọc quyết định dành thêm một đêm để học cách sử dụng phần mềm từ số liệu đang có. Trong lần thứ hai gửi bài cho giảng viên để nhận góp ý, Ngọc rất hồi hộp và nhận được lời nhận xét khiến nữ sinh trân trọng đến bây giờ "Em không cần sửa thêm gì nữa vì đã bỏ tất cả tinh túy của mình vào đây rồi". Kết quả, khóa luận của Ngọc đạt 9,5 điểm.

Là người hướng dẫn Minh Ngọc thực hiện khóa luận tốt nghiệp, TS Vũ Hoàng Nam, Phó trưởng bộ môn quản trị doanh nghiệp, khoa Quản trị kinh doanh, không bất ngờ khi học trò đạt danh hiệu thủ khoa. Thầy Nam đánh giá, Ngọc chăm chỉ, chủ động, có năng lực tốt và sẽ còn tiến xa với những phẩm chất này.

received-394710641381042-jpeg-7689-1619521891.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ikZsl_gst9hQqFHxCJr6CQ

Minh Ngọc nhận giải nhất cuộc thi Economic Champion 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc và hai thành viên khác còn là quán quân Economic Champion 2019, cuộc thi về kiến thức kinh tế; lọt top 6 Tài năng lãnh đạo do câu lạc bộ Del của Đại học Hà Nội tổ chức và giành học bổng Tài năng trẻ của Vingroup.

Đầu năm nay, Ngọc đã trúng tuyển vị trí nhân sự tổng hợp tại một công ty về giáo dục, đảm nhận các công việc liên quan đến hồ sơ, đào tạo và tham gia xây dựng kế hoạch phát triển nhân sự. Nữ sinh cho rằng, điểm mạnh của mình trong hồ sơ xin việc là thành tích học tập, nhưng kinh nghiệm làm việc chưa phong phú.

Thời gian tới, Ngọc sẽ tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn bằng cách đăng ký các khóa học ngắn hạn của linked-in và coursera. "Mình tin rằng sự cầu tiến, năng lực tự học hỏi và khả năng tiếp thu sẽ giúp mình khắc phục hạn chế", Ngọc nói.

Thanh Hằng

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020