Chuyên mục  


Trần Thị Y Vân, 22 tuổi, là tân cử nhân ngành Vật lý học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nữ sinh nhận tin trúng tuyển ngành Kỹ thuật Y Sinh với học bổng toàn phần cho bốn năm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) hồi tháng 4. Đây là ngôi trường xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng đại học thế giới 2024 của QS.

Gần như cùng lúc, Y Vân trúng hai học bổng bậc thạc sĩ Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu.

"Em nộp hồ sơ ba chương trình học bổng và được chấp nhận cả. Thông tin công bố chỉ cách nhau vài ngày khiến em bật khóc vì sung sướng", Vân chia sẻ.

Y Vân trong chuyến du lịch ở Hội An, Quảng Nam năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là cựu học sinh chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, rồi trở thành thủ khoa đầu vào của trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2019 nhưng Y Vân chưa có dự định du học. Nữ sinh nói ban đầu chỉ đặt mục tiêu hoàn thành tốt chương trình cử nhân khoa học tài năng.

Từ năm thứ nhất, Vân được một giảng viên trong trường đề xuất vào nhóm nghiên cứu lĩnh vực ứng dụng Vật lý trong Y Sinh. Nắm bắt cơ hội, Vân sớm được làm quen với nghiên cứu khoa học. Em cũng tham gia câu lạc bộ tình nguyện của trường.

Vừa học trên lớp, vừa nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa, Vân gặp nhiều khó khăn. Vân đánh giá kiến thức ở đại học khác phổ thông, không còn là những bài tập chỉ áp dụng công thức nữa mà đòi hỏi sinh viên tự học rất nhiều. Chưa kể, Vân theo học chương trình tài năng, kiến thức phải thu nạp nhiều hơn so với chương trình chuẩn. Về nghiên cứu, Vân học gần như từ đầu, từ cách đọc bài báo khoa học đến bắt tay vào nghiên cứu và viết báo.

"Phải tiếp cận với nhiều điều mới mẻ ngay khi vào đại học khiến em khá vất vả, đặc biệt trong việc quản lý thời gian", Vân nói.

Sau khoảng hai tháng, Vân bắt đầu thích ứng được. Để học tốt trên lớp, nữ sinh Hà Nội cho rằng chỉ cần chăm chú nghe giảng và làm đầy đủ bài thầy cô giao. Nhưng muốn hiểu sâu hơn, em phải đọc nhiều tài liệu bên ngoài.

Vân cũng nhận ra không nên cầu toàn cân bằng cả việc học tập, nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa cùng lúc mà ưu tiên từng việc tùy thời điểm. Chẳng hạn lúc sắp thi, em học nhiều hơn. Dịp hè, Vân tập trung làm nghiên cứu. Các hoạt động đoàn hội thường theo đợt ngắn hạn nên nữ sinh linh hoạt sắp xếp được.

Y Vân chụp hình kỷ niệm sau lễ trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Khoa học Tự nhiên cuối tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến năm thứ hai, từ gợi ý của mẹ, Y Vân bắt đầu nghĩ đến du học. Nữ sinh tính toán, thu xếp việc học tập và nghiên cứu với mục tiêu dành cả năm cuối tập trung làm hồ sơ.

Đầu năm bốn, Vân có bài báo đầu tiên đăng trên Biochemical Engineering Journal - tạp chí thuộc hệ thống ISI, hạng Q2. Bài báo này viết về việc phân tách tế bào ung thư tuần hoàn trong máu, gồm 10 tác giả, trong đó em viết chính, đứng tên đầu.

"Em đã phải viết đi viết lại, chỉnh sửa rất nhiều lần nhưng rất tự hào bởi không phải sinh viên nào cũng được giao viết chính và đứng tên đầu một bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế", Vân chia sẻ. Nữ sinh cũng là đồng tác giả một bài báo khác trên Analyst - tạp chí hạng Q1 và một bài đăng trong báo cáo hội nghị quốc tế. Tất cả liên quan đến Y Sinh.

Trong quá trình học, Vân còn giành giải nhất cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2021, học bổng từ Quỹ phát triển châu Á của Hàn Quốc, học bổng Vallet của Hội gặp gỡ Việt Nam.

Đúng như kế hoạch, đầu năm học 2022-2023, Vân bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học và hoàn tất sau 6 tháng. Nữ sinh cho hay phải đọc rất nhiều dự án, báo cáo nghiên cứu của các giáo sư để tìm ra hướng phù hợp với mong muốn của mình.

Vân được mời gặp ba giáo sư của trường. Khi được một người đồng ý, em trải qua thêm hai lần phỏng vấn khác với vị giáo sư đó. Sau khi được chấp nhận, Vân vào vòng phỏng vấn của hội đồng học bổng, và bước cuối cùng là nộp hồ sơ để Đại học Quốc gia Singapore xét duyệt.

Vân cho biết tại các buổi phỏng vấn, điều quan trọng nhất là thể hiện được mục tiêu của mình và cho giáo sư, hội đồng học bổng thấy kế hoạch, quyết tâm để đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra theo Vân, kết quả nghiên cứu khoa học ở trường đại học giúp Vân gây ấn tượng mạnh.

Y Vân bên gia đình dịp Tết Quý Mão. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Biết Vân từ khi còn là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, TS Hoàng Chí Hiếu, Phó trưởng khoa Vật lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đánh giá Vân là người có định hướng rõ ràng, nghiêm túc và chủ động trong học tập.

Điều thầy Hiếu và nhiều giảng viên ấn tượng nhất với sinh viên này là không nghỉ một buổi học nào dù bị ốm. Kết quả, Vân tốt nghiệp loại xuất sắc, đứng đầu lớp cử nhân khoa học tài năng.

"Học tập tốt, có hai công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, tích cực trong các hoạt động đoàn thể, tôi tin Y Vân sẽ thành công trong tương lai", thầy Hiếu nói.

Những ngày này, Vân đang tất bật chuẩn bị đồ đạc, gặp gỡ người thân trước khi bay sang Singapore. Ngoài được miễn học phí, Vân được hỗ trợ 2.800-3.400 SGD (48-59 triệu đồng) chi phí sinh hoạt mỗi tháng.

"Chắc chắn từ cử nhân học thẳng lên tiến sĩ sẽ khó khăn rất nhiều, đòi hỏi sự tự lập, tự chủ nhiều hơn. Nhưng em tin khó khăn nào cũng sẽ vượt qua nếu có đủ quyết tâm", Vân nói.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020