Chuyên mục  


Nguyễn Thị Tấm, cựu học sinh trường THPT Đội Cấn, đạt 56,9/60 điểm ở 6 môn thi, là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT với hơn 14.000 thí sinh của tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, nữ sinh giành giải nhì thi học sinh giỏi tỉnh môn Văn cấp tỉnh và trúng tuyển sớm vào trường Đại học Ngoại thương, ngành Ngôn ngữ Anh.

"Em không nghĩ mình là thủ khoa mà chỉ cố gắng hết sức mình để kết thúc 12 năm học một cách rực rỡ nhất có thể", Tấm bộc bạch.

Nguyễn Thị Tấm, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tấm lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường. Trong ba năm học THPT, Tấm nằm trong đội tuyển Văn của trường, là học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết trung bình các môn luôn trên 9. Em cũng đạt điểm cao nhất trường ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) trong các đợt khảo sát trước kỳ thi tốt nghiệp.

Đầu năm nay, Tấm nhận tin bố mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, mất khả năng lao động. Trước đó, cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, lương thợ xây của bố và công nhân may của mẹ. Bây giờ, mọi gánh nặng đều đổ lên vai mẹ khi nuôi Tấm, chị gái học năm thứ nhất Học viện Ngân hàng và em trai học lớp 8. Nhìn mẹ đi làm, tăng ca từ sáng đến nửa đêm, Tấm áp lực, suy nghĩ nhiều về chuyện vào đại học.

Chị Nguyễn Kim Thanh, mẹ của Tấm, cho biết thu nhập trung bình mỗi tháng được 6 triệu đồng, tháng nào tăng ca nhiều thì được 7-8 triệu đồng. Nghe tin năm nay học phí đại học sẽ tăng mạnh, chị canh cánh nỗi lo khi các con về Hà Nội học. Dù vậy, chị động viên Tấm nỗ lực hết sức.

"Tôi bảo con là dù khó khăn đến đâu mẹ cũng không bao giờ để các con bỏ học. Gia đình anh em họ hàng mỗi người giúp đỡ một ít nên tôi cũng quyết tâm hơn", chị Thanh chia sẻ.

Được gia đình, thầy cô, bạn bè động viên, Tấm dần lấy lại tinh thần học tập. "Em cũng xác định chỉ có con đường học tập mới có thể thay đổi được cuộc đời mình, thoát nghèo", Tấm nói.

Nữ sinh tự nhận tố chất không thông minh bằng nhiều bạn bè nên theo đuổi phương châm "cần cù bù thông minh" trong học tập. Không có điều kiện đi học thêm ở ngoài, Tấm tập trung nghe giảng trên lớp để hiểu bài, rồi về nhà ôn tập. Nữ sinh tận dụng tối đa những tài liệu được giáo viên cung cấp, kết hợp tìm kiếm các bài giảng, tài liệu trên mạng để bổ sung kiến thức.

Em cũng xây dựng kế hoạch học tập dựa vào lịch học trên trường và lượng bài tập được giao, bài tập đều được hoàn thành ngay trong ngày. Tấm cho rằng để ôn thi hiệu quả thì không nên vội vàng cày đề ngay mà phải học chắc kiến thức từng phần. Phần nào không hiểu, em lập tức nhờ sự trợ giúp của thầy cô và bạn bè. Sau đó, em mới luyện đề, tăng tốc độ ở giai đoạn nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp.

Vì chú tâm học từ đầu và học một cách đều đặn, nữ sinh không phải thức quá khuya khi ôn tập. Ngoài thời gian học, em làm việc nhà, đỡ đần mẹ việc đồng áng, chăm sóc bố và em trai.

Tấm (thứ hai từ trái sang) với cô giáo chủ nhiệm và bạn cùng lớp. Ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Huệ

Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy Văn của Tấm, nói Tấm là học trò cô ngưỡng mộ nhất trong 15 năm theo nghề. Cô cảm phục vì dù gia cảnh khó khăn, nữ sinh học giỏi tất cả môn, cả khối tự nhiên lẫn xã hội.

"Một mình mẹ Tấm nuôi cả nhà. Mỗi tuần bố bạn đi chạy thận 2-3 lần. Tấm lại là người hay nghĩ nên đã từng suy sụp tinh thần", cô Huệ kể, thêm rằng nữ sinh luôn trăn trở, lo mẹ vất vả khi trúng tuyển đại học.

Sau niềm vui về điểm số, trong suy nghĩ của Tấm mấy hôm nay chỉ là những lo toan về khoản tiền khi về Hà Nội nhập học. Nữ sinh hy vọng kiếm được việc làm bán thời gian để trang trải chi phí học tập.

"Em mong theo đuổi được việc học và mai sau có thể làm công việc liên quan đến ngành ngôn ngữ em đã chọn", Tấm nói.

Doãn Hùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020