Chuyên mục  


Đây là lần thứ hai Chiến thi tốt nghiệp để lấy điểm xét đại học. Năm 2021, cựu học sinh trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương, dự thi và đạt 27,5 điểm khối C (Văn, Sử, Địa) nhưng thiếu một điểm để trúng tuyển vào Trường Sĩ quan chính trị.

Năm nay, Chiến đạt 28,75 điểm, thuộc top 100 thí sinh có điểm khối C cao nhất toàn quốc. Chiến đạt 9,25 điểm Văn, Lịch sử 10, Địa lý 9,5. Tại Nghệ An, có 3 thí sinh cùng đạt 28,75 điểm, là đồng thủ khoa của tỉnh. Tuy nhiên, Chiến là thí sinh tự do, thi ở Hà Nội.

"Thật tiếc vì bà không còn để chứng kiến thành tích này của em", Chiến nói, lấy tay lau nước mắt. Chàng trai 22 tuổi quê ở xóm 2B, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, nay là binh nhất, chiến sĩ vệ binh Kho K680, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), đóng tại Hà Nội.

Chiến bên người bà quá cố, năm em 12 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hơn 6 tháng tuổi, bố mẹ Chiến ly hôn rồi bỏ đi biệt xứ, để lại Chiến cho ông bà nội hơn 70 tuổi. Lên 7 tuổi, ông nội mất, gánh nặng nuôi cháu đè nặng lên đôi vai gầy yếu của người bà. Chiến kể, hai bà cháu sống trong căn nhà cấp bốn rộng lợp fibro xi măng, rộng vài chục mét vuông. Ngoài làm hơn ba sào ruộng thì hai bà cháu thường ra đồng mót hoa màu, mò cua bắt ốc bán để mưu sinh. Cuộc sống thiếu thốn, Chiến hầu như không được ăn thịt cá. Cũng vì thế Chiến vào lớp 1 muộn ba năm so với bạn cùng trang lứa.

Ý thức được hoàn cảnh, Chiến nỗ lực học tập. Lên lớp 8, em đạt giải nhất học sinh giỏi huyện môn Địa lý và giải khuyến khích môn Sinh học. Vào lớp 10, Chiến đặt mục tiêu đỗ đại học, phụng dưỡng bà. Nhưng dự định vừa mới nhen nhóm thì bà qua đời.

"Em buồn, bơ vơ. Cảm thấy mọi thứ như sụp đổ khi người thân lần lượt rời đi", Chiến nhớ lại. Vừa hụt hẫng, vừa túng thiếu, Chiến nghỉ học đi làm thuê. Thầy cô, bạn bè đến động viên, nhớ lời bà nội dặn "phải học hết cấp 3" nên một tuần sau Chiến trở lại trường.

Thầy cô, bạn bè cùng một số tổ chức cũng hỗ trợ em về vật chất để vượt qua khó khăn. Chiến sống một mình trong căn nhà bà nội để lại. Em sau đó mày mò, làm các video hài hước đăng lên mạng xã hội để có thêm thu nhập. Trang Facebook cá nhân của Chiến có gần 60.000 lượt theo dõi.

Trừ năm lớp 10, hai năm còn lại ở THPT, Chiến là học sinh xuất sắc, lớp 12 đạt giải ba học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý. Kỳ thi năm 2021, điểm số 27,5 điểm khối C của Chiến cao nhất trường THPT Đặng Thúc Hứa.

Binh nhất Lê Văn Chiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được Đại học Văn hóa và Đại học Sư phạm TP HCM gửi giấy báo nhập học nhưng Chiến không theo. Cậu quyết tâm lần sau sẽ thử sức thi tiếp vào các trường thuộc khối lực lượng vũ trang để giảm áp lực về kinh tế.

"Em tự nhủ thua keo này bày keo khác", Chiến nhớ lại.

Chiến sau nhập ngũ, vào Kho K680, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, đóng tại Hà Nội. Hết thời gian huấn luyện, chàng binh nhất được chuyển về làm công tác hậu cần, khoảng 7 tháng nữa sẽ ra quân. Đầu năm 2023, khi có đủ thời gian 12 tháng trong quân ngũ, Chiến tập trung ôn thi để hiện thực hiện dự định vào đại học còn dang dở.

Hơn một năm gắn bó với thao trường và các công việc nhà binh, ngày đầu tiên ngồi vào bàn học, lật trang sách Chiến cảm thấy đầu óc trống rỗng, kiến thức bị hổng rất nhiều. Ban ngày cậu hầu như không có thời gian rảnh, buổi tối mới có thể tranh thủ ôn bài đến 0h hoặc 1h hôm sau. Tháng đầu tiên thấy khó, đến tháng thứ hai mọi thứ bắt đầu vào nề nếp. Chiến dồn hết sức trong ba tháng trước kỳ thi.

Theo Chiến, khối C cần ôn kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó luyện các dạng đề để làm quen. Những lúc mệt mỏi, căng thẳng, Chiến nghe nhạc, chơi thể thao cùng đồng đội.

Trong các môn, riêng với Ngữ văn, em thường liên hệ với chính hoàn cảnh của mình trong bài nghị luận xã hội.

"Em luôn lấy hoàn cảnh của mình để làm động lực. Mỗi con người đều có một số phận, có người sinh ra đã sướng, nhưng cũng có người khổ vô cùng. Bản thân phải tự thay đổi hoàn cảnh, hướng đến tương lai", Chiến cho hay. Chàng trai nói vài năm gần đây có liên lạc lại với mẹ qua mạng xã hội. Biết bố mẹ đang ở xa, đều lập gia đình mới, cậu cảm thấy rất thoải mái, không trách móc.

Thầy Lê Khắc Thái, giáo viên dạy Lịch sử, Hiệu phó trường THPT Đặng Thúc Hứa, ấn tượng với ý chí kiên trì, vượt khó, không bao giờ bỏ cuộc của Chiến.

"Năm nay đề Lịch sử tương đối khó nhưng Chiến đã đạt điểm tối đa, đây là điều hiếm có với một thí sinh thi lại, đã rời xa sách vở hơn một năm nay", thầy Thái nói.

Ngoài Facebook có lượt theo dõi lớn, kênh Youtube do Chiến làm chủ cũng sở hữu nút bạc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiến nói "mừng đến phát khóc" rồi nghĩ đến bà nội một hồi lâu khi biết kết quả. Với 28,75 điểm, Chiến dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Biên phòng. Năm 2022, điểm chuẩn hai trường này là 28-28,5. Năm nay, Chiến được cộng thêm hai điểm ưu tiên khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Khả năng đỗ cao, cậu nghiêng về việc học ở trường Sĩ quan Chính trị - nơi mình từng lỡ bước.

"Đừng thở dài mà hãy vươn vai sống, bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu", Chiến luôn tâm đắc với câu nói này, lấy đó làm kim chỉ nam cho mình. Chàng binh nhất nói sắp tới khi đỗ vào các ngôi trường quân đội sẽ là chặng đường mới, cần nỗ lực nhiều hơn để trở thành một học viên giỏi.

Đức Hùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020