Chuyên mục  


Năm 1996, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu không tổ chức lớp chuyên ở hệ tiểu học và THCS. Một năm sau, các trường năng khiếu ở hai bậc học này bị xóa bỏ.

Dù vậy, sau đó, nhiều tỉnh mở các trường trọng điểm, tiên tiến, chất lượng cao. Điểm chung là các trường được đầu tư về giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số thấp hơn chuẩn; được tổ chức thi tuyển thay vì xét theo địa bàn cư trú như thông thường.

Từ một trường THCS chất lượng cao ban đầu năm 2009, hiện Hà Nội có 5 trường theo mô hình này, là hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams2), Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Lê Lợi và Thanh Xuân. Học phí các trường dao động 3-5 triệu đồng một tháng.

TP HCM có hệ THCS của trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra, từ năm 2015, thành phố bắt đầu triển khai chương trình chất lượng cao "tiên tiến, hội nhập quốc tế" ở các bậc học. Năm 2020, bậc THCS có 6 trường diện này, thì hiện là 12 trường, mức thu khoảng 1,7 triệu đồng/tháng.

Nghệ An từ năm 2019 cũng thí điểm xây dựng 9 trường THCS trọng điểm, còn ở Bắc Giang, đề án xây dựng trường THCS trọng điểm có từ năm 2015, cho phép một số trường được tuyển thêm 1-2 lớp không phân tuyến.

Các địa phương, chuyên gia cho rằng việc phát triển trường trọng điểm, chất lượng cao là cần thiết, vì nhiều lý do.

Học sinh dự thi vào lớp 6 chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, khẳng định mọi loại hình nhiệm vụ đều phải xây dựng mô hình điểm, đóng vai trò đầu tàu để dẫn dắt số đông, từ đó có căn cứ triển khai đại trà.

Theo ông, trường trọng điểm là nơi ứng dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, những điểm mới trong giáo dục, từ đó nhân rộng thông qua hoạt động trao đổi chuyên môn; phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu.

Sau gần 10 năm triển khai, các trường THCS trọng điểm đóng góp đáng kể vào việc cải thiện kết quả thi học sinh giỏi. Ông Hùng dẫn chứng năm nay, tỉnh này có 86 học sinh đạt giải quốc gia, đứng thứ 7/63, trong khi các năm trước đều ngoài top 10. Phần lớn học sinh được giải từng học THCS trọng điểm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cũng đồng tình. Khi tổng kết 4 năm (2019-2023) thí điểm xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao, hồi tháng 8 năm ngoái, Sở này cho biết chất lượng của các trường trọng điểm luôn đứng top đầu tỉnh; học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế năm sau cao hơn năm trước.

"Việc triển khai mô hình trường trọng điểm chất lượng cao góp phần đổi mới cách dạy, tạo điều kiện để giáo viên thay đổi phương pháp dạy, học sinh phát triển các kỹ năng", báo cáo của Sở nêu.

Ở TP HCM, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng là nơi thử nghiệm hiệu quả nhiều mô hình giáo dục trước khi nhân rộng như việc dạy học tăng cường tiếng Anh, dạy hai buổi trên ngày, theo nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Với các trường "tiên tiến, hội nhập quốc tế", Sở cho phép giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh, kết hợp với giáo trình của nước ngoài. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và xã hội, tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục trong khu vực và quốc tế, chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai.

Tại Hà Nội, Luật thủ đô cho phép xây dựng một số cơ sở giáo dục chất lượng cao về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc này cũng nằm trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện. Ngành giáo dục đánh giá Ams2 có chất lượng đào tạo tốt, tạo nguồn học sinh giỏi cho các trường THPT chuyên. Nhiều học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

Các trường chất lượng cao khác cũng được tổ chức nhiều chương trình mới. Chẳng hạn trường THCS Nam Từ Liêm có chương trình Tiếng Anh hệ Cambridge, còn THCS Thanh Xuân, Cầu Giấy từng được thí điểm đào tạo chương trình song bằng Anh Quốc lấy chứng chỉ trung học phổ thông quốc tế IGCSE.

Để được thi tuyển vào các trường, lớp chất lượng cao, học sinh thường phải đạt kết quả tốt ở tiểu học, khoảng 9 điểm mỗi môn trở lên, thậm chí toàn 10. Ở Nghệ An, trường THCS Đặng Thai Mai ở thành phố Vinh những năm trước còn tuyển một số lớp 6 bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL. Một số trường có "tỷ lệ chọi" cao, chỉ tuyển 200-500 trong số 3.000-5.000 thí sinh như Ams 2 hay Trần Đại Nghĩa, khiến cuộc đua của phụ huynh và học sinh bắt đầu từ sớm.

Việc này vì thế gây ra những quan điểm trái chiều. TS Lê Thống Nhất, nguyên giáo viên chuyên Toán và TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng mô hình trường điểm, chất lượng cao là "trường chuyên trá hình", gây mất công bằng.

"Các trường THCS công lập phải đảm bảo chỗ cho học sinh ở địa bàn đó, nhưng trường chất lượng cao tuyển sinh rộng hơn, nghĩa là có những em phải sang nơi khác học", ông Nhất nói. "Ngoài ra, kỳ thi các trường này còn tạo ra một cuộc chạy đua của các gia đình với nhiều áp lực".

Còn theo ông Lâm, bậc THCS hướng tới việc phát triển toàn diện năng lực. Song, tại nhiều trường, một số lớp được chia theo nhóm môn hoặc lĩnh vực khiến học sinh học lệch. Việc này nhiều lúc phục vụ thi cử - đi ngược với mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đến.

Có góc nhìn khác, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nguyên Phó Giám đốc trung Nghiên cứu và Phát triển giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng việc xây dựng các trường THCS trọng điểm, chất lượng cao là bình thường. Bởi ngay cả khi không quy hoạch, giữa các trường trong cùng khu vực đã có sự chênh lệch.

"Muốn có học sinh giỏi tỉnh, chưa nói quốc gia, thì mỗi quận, huyện cần có những trường THCS được quan tâm, đầu tư. Chuyên Trần Đại Nghĩa và Hà Nội - Amsterdam đang làm rất tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Sỹ Anh nói.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Tạ Việt Hùng cũng phản đối việc coi trường THCS trọng điểm là biến tướng của mô hình trường chuyên cũ. Ông cho biết các trường THCS trọng điểm vẫn xét tuyển toàn bộ học sinh lớp 6 trên địa bàn, từ lớp 7 mới mở thêm 1-2 lớp qua thi tuyển.

"Chúng tôi vẫn đảm bảo chức năng của một trường THCS công lập bình thường, đồng thời tuyển thêm để thực hiện mục tiêu bồi dưỡng học sinh giỏi, nên không thể nói đây là trường chuyên", ông Hùng cho hay.

Thực tế, ở các tỉnh, thành khác dù áp dụng một số chương trình khác biệt, các trường THCS vẫn phải đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ. Ngoài ra, theo nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, học sinh hoàn tất bậc THCS, muốn tiếp tục học lớp 10 vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển sinh chứ không có ưu tiên hay ràng buộc nào.

Dù gây tranh cãi, nhiều địa phương cho biết sẽ duy trì và mở rộng mô hình này.

Hà Nội và TP HCM cũng đang đề xuất được tiếp tục tuyển sinh lớp 6 ở Ams và Trần Đại Nghĩa, dù trái luật. Sau đó, hai thành phố sẽ xin cơ chế đặc thù hoặc chuyển đổi mô hình. Ngoài ra, TP HCM đặt mục tiêu mỗi quận, huyện có hai trường chất lượng cao "tiên tiến, hội nhập quốc tế" ở mỗi cấp học, vào năm 2025, tương đương 44 trường THCS.

Ở Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết chủ trương là tăng số trường THCS chất lượng cao.

"Sở hướng tới mỗi huyện có một trường", ông Dũng nói. Hiện, tỉnh này có 20 đơn vị hành chính cấp huyện.

Thanh Hằng - Bình Minh - Đức Hùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020