Ngành du lịch đang trong giai đoạn phục hồi nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa
Thách thức cho phát triển bền vững ngành du lịch
Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả đến từng lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Trong đó lĩnh vực du lịch vốn được ví là “ngành công nghiệp không khói” trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trải qua hơn 2 năm đại dịch, ngành du lịch chịu thiệt thòi lớn, khi sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng do đóng cửa thị trường, không đón khách quốc tế. Cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực khi người lao động rời bỏ lĩnh vực du lịch để làm công việc khác. Đây thực sự là thách thức đối với các doanh nghiệp lữ hành nói riêng, ngành du lịch cả nước nói chung trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi lĩnh vực này.
Trong khi đó, theo số liệu khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch, đến tháng 9/2021, số lượng tuyển sinh ngành du lịch bị sụt giảm 32%. Đến hết tháng 12/2021 chỉ còn bằng 50% so với năm 2019 (trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát).
Điều này cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh, hoạt động du lịch, mà còn ở cả những cơ sở đào tạo du lịch. Sự e ngại không lựa chọn theo học ngành du lịch của thế hệ kế cận đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành này.
Trước đòi hỏi mới, các địa phương, đơn vị đang gấp rút bổ sung nguồn nhân lực cho đơn vị mình. Công ty Lữ hành Viettravels đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại một lực lượng lớn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực bán hàng, điều hành, tiếp thị…
Trong khi đó, Công ty Du lịch Viettoursim đã tổ chức kết nối lại các nhân viên cũ đang tạm thôi việc cũng như liên hệ với nhiều trường đại học có khoa du lịch để tổ chức tuyển dụng. Ngoài ra là các khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự thêm các kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu của tổ chức kinh doanh, phục vụ khách du lịch.
Đồng thời, cần phải rà soát, tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch. Đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực, đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ở địa phương trong cả nước, thích ứng với điều kiện, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong giảng dạy, tuyển dụng
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới, chỉ trong hai năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch Covid-19 đi qua. Vì vậy, mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.
Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi và thiếu trầm trọng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, hướng đi hiệu quả là cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong giảng dạy. Cùng với đó là tuyển dụng giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch. Đây không chỉ là giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, mà còn là kênh kết nối hữu hiệu giúp doanh nghiệp tìm được các ứng viên có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
TS Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, cho rằng, trong phát triển du lịch, yếu tố con người luôn là quan trọng nhất. Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển.
Do vậy, Việt Nam cần được quan tâm thích đáng tới công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt đội ngũ lao động trẻ và tương lai là những nhà quản lý các cấp trong các đơn vị, tổ chức du lịch. Mục đích để đáp ứng những thiếu hụt nguồn lao động trước mắt cũng như có được lực lượng lao động chất lượng cao. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới.
Theo TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), nếu muốn nhanh chóng bồi lấp “lỗ hổng” về nhân lực du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp về liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời nghiên cứu thị trường sau đại dịch Covid-19 để làm cơ sở định hướng cho việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm đáp ứng thị trường thời điểm hậu Covid-19…
“Liên kết trong đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp là một trong những trọng tâm được Tổng cục triển khai xuyên suốt những năm gần đây. Trên thực tế, nhiều trường nghề đang cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhờ vào những mô hình liên kết hiệu quả” - TS Vũ Xuân Hùng cho biết.
Trước đó, một số cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, thiếu cơ sở thực hành, điều kiện học tập từ thực tiễn. Đặc biệt, việc tuyển sinh tại một số trường đào tạo du lịch thời gian qua cũng giảm. Do đó không thể dễ dàng ngày một ngày hai có được lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu khi du lịch hồi phục.
Chính vì thế, để hoạt động du lịch phát triển, doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ hỗ trợ về tài chính. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, để họ không bỏ ngành.