Không ít người làm cha làm mẹ đã có những phút giây đau đầu vì con cái. Chẳng hạn như khi mới làm bài được 10 phút, con đã kêu mệt và muốn chơi điện thoại một lúc. Lúc nào phụ huynh cũng cần phải ngồi bên cạnh nhìn chằm chằm thì con mới chịu học, bằng không sẽ chạy đi chơi lúc nào không hay. Hoặc khi gặp phải đề khó, con cái lập tức hỏi bố mẹ cách làm mà không chịu suy nghĩ.
Nhiều phụ huynh đã bận rộn trong công việc, về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, nhưng gặp trường hợp như vậy thì không thể mặc kệ được. Do đó, họ thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Một người mẹ là Tiểu Lan cũng ngày ngày trông chừng việc học của con như vậy, tuy nhiên, đến cuối kỳ, thứ hạng của cậu bé vẫn luôn đứng cuối lớp. Tiểu Lan không ít lần suy sụp bật khóc với mọi người: “Đúng là tức chết đi được mà! Tại sao con không bao giờ có thể tự giác học bài vậy?”
Trên thực tế, Tiểu Lan đã nhầm lẫn một điều quan trọng. Đứa trẻ vô ý thức không phải vì ham chơi mà vì trẻ thiếu khả năng tự học.
Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn đã chỉ ra rằng: Khi một đứa trẻ sinh ra, cha mẹ đã làm mọi thứ cho chúng từ việc đút ăn, mặc quần áo. Thế nhưng khi chúng phát triển tới một giai đoạn có khả năng tự mình làm được, cha mẹ nếu cứ tiếp tục làm thay hết mọi thứ như thế sẽ làm hư con cái mình.
01. Yêu quá mức là một loại tai hại
Có một trường hợp như thế này:
Đình Đình chỉ có mỗi một đứa con trai, lúc nào cô cũng tâm niệm rằng: “Cả gia đình đều trông chờ vào con trai, nhất định phải cho con học hành chăm chỉ, tiến tới trong tương lai”.
Con trai của Đình Đình đã học lớp 4 tiểu học, nhưng cô vẫn phải "chăm lo" cho cuộc sống của cậu bé mỗi ngày từ việc nhỏ tới việc lớn. Chẳng hạn như giúp con lập kế hoạch học tập, cô là người quyết định thời điểm học Toán hay tiếng Anh; chủ động soạn cặp sách cho con hàng ngày, không lo con bỏ quên sách giáo khoa; thậm chí sắp xếp tài liệu ôn tập cho con, mong rằng có thể cải thiện hiệu quả học tập của cậu bé…
Những tưởng sự cố gắng của cô sẽ được đền đáp nhưng thứ cô nhận lại là một xấp bài thi trượt dày đặc. Những con số và lời phê bình đỏ tươi luôn làm Đình Đình đau đớn không thôi.
Cô bật khóc, "Mỗi ngày tôi đều lo lắng cho con, nhưng sao bản thân con lại như thế này?!"
Đình Đình tuyệt vọng khi thấy mọi nỗ lực của mình đều trở nên vô ích.
Một ngày nọ, giáo viên hiệu trưởng gọi cho Đình Đình và thông báo con trai cô đã gian lận trong kỳ thi. Cô tức đến run người, chỉ muốn đánh cho con một trận ngay khi vừa cúp điện thoại.
Vào đúng lúc này, người chồng của Đình Đình đã đứng ra nói chuyện với con.
"Con trai, tại sao con lại phải gian lận trong kỳ thi? Nói với bố được không?"
Cậu con trai căng thẳng, có chút sợ hãi nhìn mẹ của mình, sau đó chỉ cúi đầu không dám nói gì.
Người cha ngồi xổm xuống, nắm lấy bàn tay nhỏ bé của con trai và chạm vào đầu nó. Cậu bé ngước lên nhìn thẳng vào mắt cha, cảm thấy ông không tức giận lắm, đôi môi đang mím chặt bắt đầu khẽ run lên.
Sau đó, cậu bé bật khóc và nói: “Con sợ rằng lần này không thi được điểm tốt hơn, mẹ sẽ không vui. Con không muốn làm mẹ buồn."
Nghe xong, Đình Đình cũng giật mình. Cô lập tức ôm chầm lấy con trai và bật khóc. Sau đó, cô đã cùng chồng kiên nhẫn nói chuyện với con, dẫn đường để con nhận ra mặt sai trái của việc gian lận. Điểm tốt cần phải tự mình kiếm được thì bố mẹ mới càng vui lòng.
Qua lần này, hai mẹ con cũng dần trở nên thân thiết hơn. Con trai cô đã dám bày tỏ nỗi lòng của mình, Đình Đình cũng không còn thường xuyên tức giận, la mắng con nữa.
Cô hiểu rằng, trong học tập, con cái là nhân vật chính, cha mẹ chỉ có thể là vai phụ. Vai trò của phụ huynh nên là sử dụng các phương pháp khoa học để khuyến khích trẻ tích cực học tập.
Vài tháng sau, điểm số của con trai Đình Đình bắt đầu cải thiện đáng kể. Cậu bé cũng tự giác học hành mà không cần phải có người kèm cặp sát bên nữa.
Vì vậy, yêu thương trẻ nhưng phải đúng cách, đúng mức để rèn luyện khả năng độc lập cho con cái.
Ảnh minh họa (Internet)
2. Dựa vào chính mình, con trẻ có thể bay cao bay xa
Nhà tâm lý học trẻ em Rudolf Drex đã nói: “Đừng bao giờ làm cho trẻ những điều mà trẻ có thể làm cho chính mình.”
Khi một con cò nuôi con của mình, ngày nào nó cũng ra bãi biển bắt từng con trai, mổ lấy thịt rồi mớm cho các con. Nhờ sự chăm lo của cò mẹ, đàn cò con lớn nhanh như thổi.
Bỗng một ngày, khi cò con mở miệng đòi thức ăn như mọi khi, cò mẹ lại ngoảnh mặt làm ngơ mà không thèm đoái hoài. Con cò mẹ bay thẳng đến bãi sông, tìm thấy một con trai đầy đặn. Bỏ mặc ánh mắt mong chờ của đàn con, nó tự ăn thịt con trai vào bụng.
Không những thế, nó còn liên tục dùng cánh đẩy đám con của mình ra bên cạnh bờ cát. Nó chỉ cho đám trẻ đâu là nơi có thức ăn xong thì lại lao ra tự kiếm mồi cho bản thân mình.
Không còn cách nào khác, đàn cò con quá đói nên phải tự lò dò lội ra bãi để tìm thức ăn. Cuối cùng, sau vài ba lần thử không thành công, cuối cùng cò con cũng bắt được con ngao đầu tiên cho mình.
Điều này cũng giống như cách nuôi dạy con cái của chúng ta. Nếu như chỉ biết “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì các con sẽ mãi chỉ biết phụ thuộc vào cha mẹ từng miếng cơm manh áo. Còn nếu làm một người phụ huynh giống như cò mẹ, “nhẫn tâm” khuyến khích con ra khỏi nhà và học cách sống tự lập thì chúng mới có thể trưởng thành.
Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn khẳng định: “Phải tự đi trên con đường của mình thì mới có thể đi được càng xa.”
*Theo Zhihu