Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ngày 28/9 cho biết trong hai ngày mưa lũ, hơn 100 trường học ở huyện Qùy Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Đô Lương... đã cho hàng chục nghìn học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Chiều 28/9 nước lũ đã rút, song nhiều trường vẫn chưa thể mở lại lớp, đang tập trung khắc phục hậu quả.
Trường Mầm non Châu Thắng, huyện Quỳ Châu bị bùn lũ tràn vào sân. Ảnh: Hùng Lê
Tại huyện Quỳ Châu, nơi mưa lũ gây thiệt hại nặng nhất tỉnh, 32 trường học vẫn phải đóng cửa do bị nước lũ tràn vào sân và các phòng học, gây hư hỏng nhiều đồ dùng, thiết bị. Một số điểm như trường Mầm non, Tiểu học Châu Thắng bùn non ngập sân, cao từ 0,5-1m.
Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu, cho biết ngoài khắc phục tại trường, hàng trăm giáo viên cũng tập trung giúp đỡ đồng nghiệp bị ảnh hưởng dọn dẹp nhà cửa.
Theo bà Châu, do nhân lực mỏng, việc cào bùn bám tại các phòng học và ngoài sân rất khó khăn, đôi lúc bùn tràn ngược trở lại do không có chắn. Phòng đang nhờ sự hỗ trợ của công an, quân đội để việc này hiệu quả hơn.
"Trường Mầm non và Tiểu học Châu Thắng đầu tuần sau mới mở lại. Các trường còn lại bị thiệt hại nhẹ, ngày mai học sinh có thể đến lớp", bà Châu nói.
Các cô giáo ở huyện Quỳ Châu đang cào bùn ra khỏi phòng. Ảnh: Hùng Lê
Áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào Thừa Thiên Huế đã suy yếu và sang Lào từ sớm 26/9, nhưng hoàn lưu của nó lần lượt gây mưa cho các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Thống kê của cơ quan khí tượng, từ 20h ngày 26/9 đến 20h ngày 27/9. Châu Bình 2 (Nghệ An) mưa 390 mm, Sơn Kim 3 (Hà Tĩnh) 140 mm, Yên Mỹ (Thanh Hóa) 240 mm.
Là tâm mưa, Nghệ An ghi nhận hơn 1.600 nhà dân bị ngập, 830 nhà bị cô lập; 40 điểm đường cùng 76 điểm cầu chìm trong lũ. Thiệt hại tập trung ở 8 huyện trung du và miền núi gồm: Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn.
Đức Hùng