Sự dịch chuyển nhân khẩu học toàn cầu đã đến Việt Nam và Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức mới - già hóa dân số.
Nghiên cứu mới nhất do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation và sự hợp tác của Nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan khác nhau của Việt Nam đã khẳng định: Sự dịch chuyển nhân khẩu học toàn cầu đã đến Việt Nam và Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức mới - già hóa dân số.
Với mục đích tạo ra một nguồn thông tin chất lượng, đáng tin cậy cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các chính trị gia, giới thực hành chính sách, đại diện các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức đã khởi động dự án xuất bản Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam.
Dự án sẽ đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin độc lập cập nhật về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, tốc độ già hóa của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu Thụy Điển mất 85 năm, Úc mất 73 năm dân số mới già hóa, thì Việt Nam mới chỉ có 25 năm dân số đã bắt đầu già hóa.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: "Những tiến bộ về y tế, xã hội và kinh tế đã dẫn đến tuổi thọ tăng lên và mức sinh giảm đi, làm dịch chuyển sự phân bố dân số theo hướng già hóa trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi với quá trình già hóa dân số đang diễn ra và cuối cùng là một lực lượng dân số già? Đây thực sự là một câu hỏi lớn, cần được các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, khu vực tư nhân và các nhà hoạt động xã hội quan tâm, chú ý."
Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo Quốc gia ấn phẩm đầu tiên - Việt Nam: Một xã hội đang già hóa, GS. TS. Phạm Quang Minh - đồng chủ biên của Báo cáo cho biết: "Sự dịch chuyển nhân khẩu học ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn các nước khác. Cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam chỉ kéo dài trong ba thập kỷ, từ 2005-2035.
Người dân Việt Nam "chưa giàu đã già" vì đa số người cao tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm. Do đó, nhu cầu các dịch vụ xã hội cần thiết cho người cao tuổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các dịch vụ này còn khá hạn chế và không phải người cao tuổi nào cũng tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc xã hội."
Báo cáo chỉ ra 87 - 89% tỉ lệ các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là ở người cao tuổi; người trên 60 tuổi từng chịu bạo hành cả vật chất và tinh thần ở Việt Nam là 16%. Có 36,5% tỉ lệ người ở nhóm 60 - 64 tuổi bị các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường; 70% tỉ lệ hộ nghèo của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Trong khi đó nguồn lực quỹ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội cung cấp cho người già Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số; Thực hiện một chính sách xã hội quốc gia từ "trợ giúp khẩn cấp" sang giúp đỡ người dân sao cho họ có thể "tự giúp chính mình", "tự bảo vệ mình trước các rủi ro";
Thử nghiệm và phát triển các mô hình mới, phối hợp nỗ lực giữa các tổ chức xã hội với gia đình và thiết chế thị trường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh mới.
Báo cáo Quốc gia thứ hai với chủ đề "Chính sách môi trường ở Việt Nam" dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 10 năm 2021.
Nhật Hồng