Nghị định 73 quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân, được Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2024. Trong đó, tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quỹ thưởng bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp), phải chi trước 31/1 của năm sau.
Đến nay, nhiều trường học ở Hà Nội và các địa phương đã chi trả xong. Các trường thường chia thưởng theo ba mức: hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phổ biến từ 4 đến 7 triệu đồng mỗi người.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress, đến ngày 22/1 (23 tháng Chạp), vẫn còn hàng nghìn giáo viên chưa được nhận thưởng. Những thầy cô này thuộc hai nhóm. Một là nhóm 119 trường THPT được xếp vào diện "tự chủ thường xuyên", thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhóm hai là các trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm "đặt hàng dịch vụ giáo dục", thuộc quản lý của 30 quận, huyện. Mỗi nơi thường có khoảng 3-9 trường diện này.
Cô Liên, giáo viên dạy Văn tại một trường THPT ở huyện Phú Xuyên, thuộc nhóm 1. Cô giáo gần 20 năm trong nghề cho biết không nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ cấp trên.
"Trả hay không trả, trả trước Tết hay sau Tết, chúng tôi đều không biết. Giáo viên chỉ biết hỏi han lẫn nhau rồi lại thấy tủi thân vì tỉnh khác, trường khác có, còn mình thì không", cô Liên bày tỏ.
Thuộc nhóm thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục, trường Tiểu học Vân Tảo, huyện Thường Tín, gặp khó khăn khác. Theo hiệu trưởng Phạm Quang Lực, tiền thưởng đã về tài khoản của trường cách đây gần một tháng, nhưng chưa được hướng dẫn để chi trả.
"Chúng tôi rất mong được hướng dẫn càng sớm càng tốt", thầy Lực nói. "Giờ vẫn chưa được chi thưởng, chúng tôi khá buồn".
Theo ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín, việc này không thuộc thẩm quyền nên Phòng cũng phải đợi phản hồi từ cơ quan chuyên môn.
Cuối tháng trước, hơn 600 giáo viên viết thư kiến nghị nhà chức trách xem xét việc chi thưởng theo Nghị định 73. Theo họ, lý do các trường không được chi khoản này vì đã "tự chủ" là không thỏa đáng.
Thông thường, đơn vị tự chủ là có nguồn thu để tự đảm bảo hoạt động, tùy theo mức độ. Song các trường THPT được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên" ở Hà Nội thực ra vẫn được nhà nước đảm bảo kinh phí. Họ được "giao nhiệm vụ" thu học phí, sau đó cấp trên trừ đi số tiền này khi phân bổ dự toán. Trường không được dùng nguồn thu từ học phí để trả lương cho giáo viên, vận hành các hoạt động như những đơn vị tự chủ chi thường xuyên ở lĩnh vực khác.
Đánh giá đây chỉ là thay đổi hình thức cấp phát ngân sách, lần lượt cuối tháng 9 và tháng 12/2024, huyện Phúc Thọ và Ba Vì đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính xem xét, đảm bảo quyền lợi cho thầy cô.
Đầu tháng 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã nhận được phản ánh của một số địa phương và cũng nhận thấy đây là bất cập. Vì vậy, Sở phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý, tránh để giáo viên bị thiệt thòi.
Tới ngày 10/1, Sở tiếp tục gửi tờ trình UBND thành phố, đề nghị xây dựng nghị quyết về việc cập nhật chi phí thực hiện chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73, sau đó trình HĐND thành phố thông qua bởi thẩm quyền ban hành nghị quyết thuộc cơ quan này.
Tuy nhiên, theo lịch trên cổng thông tin của HĐND thành phố, kỳ họp gần nhất diễn ra vào tháng 11/2024 và chưa có lịch cho kỳ họp tiếp theo. Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ bắt đầu từ ngày 25/1, kéo dài tới hết 2/2.
Hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành nói chia sẻ với quy trình của các cơ quan cấp trên. Dù vậy, thầy mong có phản hồi rõ ràng về việc liệu giáo viên có nhận được tiền hay không, nếu có sẽ nhận trước hay sau Tết.
"Tôi đối diện với nhiều câu hỏi của giáo viên, nhưng cũng không biết trả lời thế nào", ông nói.
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm thủ tục thi lớp 10 ở Hà Nội, tháng 6/2022. Ảnh: Giang Huy
Trong lần đầu tiên công chức, viên chức được thưởng theo Nghị định 73, việc chi cho giáo viên ở một số địa phương nảy sinh vướng mắc.
Trước Hà Nội, 1.800 giáo viên ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, suýt mất thưởng vì phòng Nội vụ của huyện cho rằng Nghị định có hiệu lực từ 1/7, nhưng việc đánh giá, xếp loại giáo viên diễn ra vào tháng 5. Trong khi đó, giáo viên các trường THPT và ở các huyện khác của Vĩnh Long vẫn được nhận tiền. Sau khi kiến nghị cấp trên xem xét, các trường đã được Sở Tài chính đồng ý chi thưởng.
Còn ở Cà Mau, Đăk Lăk, giáo viên lại thấp thỏm vì vướng mắc về thủ tục hành chính giữa các cơ quan chức năng. Đến hôm qua, họ mới được chi trả khoản này.
Thanh Hằng
*Tên giáo viên được thay đổi