Chuyên mục  


ong-donald-trump-tai-phong-bau-duc-read-only-17375588307061338576420.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các văn bản sắc lệnh trong ngày đầu nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times, ngày 23-1 (giờ Mỹ), thẩm phán liên bang John C. Coughenour đã ra phán quyết tạm thời chặn sắc lệnh hủy bỏ "quyền sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ" được ông Trump ký hôm 20-1.

Lệnh tạm chặn trên được ông Coughenour ký trong phiên điều trần với luật sư đại diện chính phủ liên bang Brett Shumate. Lệnh này có thời hạn 14 ngày và có thể được gia hạn.

Từ trước đến nay, những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ hầu như luôn mặc nhiên được là công dân Mỹ. Quyền này xuất phát từ Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được gọi là jus soli và được xem là một trong những quyền lâu đời nhất của nước này.

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trẻ em có cha mẹ là người nhập cư không có giấy tờ, được sinh ra trên đất Mỹ sau ngày 19-2 sẽ không được xem là công dân.

Sắc lệnh này áp dụng cả với những trường hợp trẻ có cha không phải công dân Mỹ và mẹ là người nhập cảnh vào Mỹ hợp pháp nhưng ngắn hạn, ví dụ như du khách, du học sinh hoặc lao động thời vụ.

Động thái này được xem là một trong những biện pháp của ông Trump nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Trong phiên điều trần, ông Coughenour đã đứng về phía bốn bang đã nộp đơn kiện sắc lệnh hành pháp trên, bao gồm Washington, Arizona, Illinois và Oregon.

Vị thẩm phán liên bang chê trách sự hiện diện của ông Shumate: "Đây rõ ràng là sắc lệnh vi hiến. Thẳng thắn mà nói tôi không hiểu vì sao một luật sư có thể khẳng định chắc chắn sắc lệnh này hợp hiến. Điều đó khiến tôi bối rối".

Phản hồi quan điểm trên, ông Shumate kiên quyết bảo vệ sự hợp hiến "tuyệt đối" trong quyết định của ông Trump.

Ông cho rằng những người nhập cư bất hợp pháp "vẫn chịu sự chi phối của nước ngoài" và do đó "không có lòng trung thành với nước Mỹ".

Theo lý lẽ đó, con cái họ cũng sẽ như thế, dù có được sinh trên đất Mỹ.

Chỉ vài giờ sau khi phiên tòa trên kết thúc, ông Trump đã khẳng định với báo chí: "Rõ ràng thì chúng tôi sẽ kháng cáo".

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ cũng tuyên bố cơ quan này "sẽ bảo vệ hết mình" sắc lệnh hành pháp của ông Trump về quyền jus soli trước tòa án và "người dân Mỹ, những người rất muốn luật pháp của nước chúng ta được thực thi".

Phán quyết trên của thẩm phán Coughenour nhiều khả năng đánh dấu khởi đầu cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa chính quyền ông Trump và hệ thống tư pháp trong vài năm tới.

Tổng thống Mỹ từ lâu đã công khai mong muốn theo đuổi chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm định hình lại các thể chế trong hệ thống chính trị Mỹ.

Tuy nhiên, không ít đề xuất chính sách trong đó đi ngược lại luật pháp và tiền lệ tại quốc gia này. Những mâu thuẫn trên gần như chắc chắn sẽ phải mang ra tòa để phân định đúng sai.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020